Hiểu Gợi Ý của Bé

(Phát hành tháng 01 năm 2018)

“Con tôi la khóc để cho tôi biết bé cần gì trước khi bé có thể nói!” Nhiều người nghĩ rằng khóc là cách giao tiếp duy nhất của các em bé. Trên thực tế, các bé thể hiện nhu cầu hoặc ý muốn của mình thông qua nhiều gợi ý khác nhau từ khi sinh ra, bao gồm cử chỉ, động tác, biểu cảm trên gương mặt và âm thanh. Việc nhạy cảm với các gợi ý của bé và đáp ứng kịp thời, phù hợp sẽ khiến việc nuôi con trở nên dễ dàng hơn. Điều đó giúp gây dựng niềm tin và mối liên kết giữa quý vị với con. Không chỉ như vậy, điều đó còn giúp tạo điều kiện thuận lợi để não bộ của bé phát triển, đây là một yếu tố vô cùng quan trọng cho hoạt động học tập.

Bé sẽ cho quý vị biết bé muốn gì thông qua những gợi ý thường gặp sau:

  • Con Đói/No
  • Con Mệt/Buồn Ngủ
  • Con Sẵn Sàng Chơi Rồi
  • Con Khó Chịu

Con Đói/No!

Các em bé truyền đạt nhu cầu của mình bằng nhiều tín hiệu kết hợp với nhau. Quý vị biết con cần gì không phải từ một tín hiệu duy nhất mà bằng cách quan sát tất cả các tín hiệu kết hợp với nhau. Bé sẽ có những dấu hiệu ban đầu để cho biết bé cần gì. Khi nhu cầu không được đáp ứng kịp thời, bé sẽ thể hiện thêm các dấu hiệu khó chịu sau đó. Dưới đây là ví dụ về dấu hiệu đói và no của bé.

Bé biết khi nào mình đói hoặc no nhưng chúng ta thường nghĩ rằng bé chỉ đói khi khóc hoặc chúng ta có thể bỏ qua các gợi ý rằng bé đã no bụng rồi. Hãy cùng xem các em bé cho chúng ta biết “Con đói” và “Con no” như thế nào nhé!

“Con Đói”

Dưới 6 tháng tuổi
  • Thức dậy và di chuyển
  • Liếm môi
  • Quay đầu tìm kiếm đồng thời mở miệng
  • Mút tay hoặc nắm tay
6 tháng tuổi trở lên
  • Nhìn vào thức ăn một cách thích thú
  • Di chuyển đầu đến gần hơn với thức ăn và thìa
  • Nghiêng người về phía thức ăn

“Con No”

Dưới 6 tháng tuổi
  • Mút chậm lại hoặc ngừng mút
  • Ngậm miệng
  • Nhả núm vú ra
  • Thả lỏng cơ thể và ngủ
  • Ưỡn lưng và quay đầu đi
  • Đẩy bình sữa ra
6 tháng tuổi trở lên
  • Không quá thích thú khi ăn
  • Ăn càng ngày càng chậm
  • Mím môi
  • Nhè thức ăn
  • Quay đầu đi chỗ khác
  • Ưỡn lưng
  • Đẩy hoặc ném thìa và thức ăn đi

Lời khuyên

  1. Nhận biết các gợi ý cho biết bé đang đói để cho bé ăn và dừng cho ăn khi bé thể hiện gợi ý đã no. Điều này giúp bé học cách điều chỉnh lượng ăn theo khẩu vị. Sau đó, việc cho bé ăn sẽ trở nên dễ dàng.
  2. Bắt đầu để ý các gợi ý cho biết bé đói sau 1-2 giờ ở trẻ sơ sinh hoặc sau 3-4 giờ khi bé lớn hơn. Đây là cách hiệu quả hơn để tìm ra thời điểm cần cho bé ăn hơn là chờ đến một thời điểm định sẵn.
  3. Nếu quý vị không nhận ra những gợi ý ban đầu này, bé có thể thể hiện một số gợi ý khó chịu vào lúc sau như chuyển động cơ thể vẻ khó chịu và la khóc. Quý vị cần giúp bé bình tĩnh lại trước khi bé có thể ăn trở lại.

Con Sẵn Sàng Chơi Rồi!

Khi bé lớn lên và làm được nhiều thứ, các gợi ý cho thấy bé sẵn sàng chơi sẽ thay đổi. Ví dụ:

Trẻ sơ sinh

  • Nhìn vào khuôn mặt của quý vị ngay trước mắt bé
  • Nhìn vào mắt quý vị

2 tháng tuổi

  • Hào hứng khi nhìn vào các đồ vật hoặc mặt mọi người
  • Quay đầu về phía quý vị
  • Phát ra và lặp lại các âm thanh như ô ô ô, a a a

Sau 4 tháng tuổi

Ngoài động tác quay đầu về phía quý vị và bập bẹ, bé có thể vươn về phía quý vị

Sau 6 tháng tuổi

Sử dụng nhiều tín hiệu để truyền đạt nhu cầu của mình, ví dụ: nhìn và mỉm cười với quý vị, bập bẹ và mở rộng vòng tay để được quý vị chú ý

Lời khuyên

  1. Thời điểm tốt nhất để vui chơi hoặc tương tác với con là khi quý vị nhận thấy những gợi ý trên đây. Quý vị có thể đối mặt với con, nhìn vào mắt bé, thể hiện các biểu cảm cường điệu trên gương mặt, khuyến khích bé bắt chước biểu cảm của quý vị và trò chuyện, hát cho trẻ nghe.
  2. Trong khi vui chơi với con, hãy nhớ chờ và quan sát biểu cảm và hành vi của bé trước khi quý vị đáp lại. Nhờ đó, quý vị có thể theo dõi sát sao các nhu cầu của con.

Để biết thêm về các kỹ năng tương tác giữa cha mẹ và con cái, vui lòng xem video ‘Kết nối với con (1 đến 4 tháng tuổi)’của chúng tôi.

Con Mệt/Buồn Ngủ!

Khi ở trong một môi trường có quá nhiều kích thích, mệt mỏi hoặc buồn chán, bé có thể thể hiện các gợi ý sau:

Dưới 6 Tháng Tuổi

  • Mút ngón tay hoặc cả nắm tay
  • Mắt nhìn chằm chằm vào khoảng không/vẻ đờ đẫn
  • Phát ra âm thanh hoặc bập bẹ kèm theo chau mày để phàn nàn
  • Không thích thú với đồ chơi hoặc quý vị, khó thu hút sự chú ý của bé
  • Ngáp
  • Động tác giật mạnh, ưỡn lưng

6 Tháng Tuổi Trở Lên

  • Dụi mắt
  • Quay mặt đi
  • Bám người lớn và đòi được chú ý

Lời khuyên

  1. Giảm bớt sự kích thích nếu có thể, ví dụ như chuyển động chậm lại và hạ thấp giọng để vỗ về bé hoặc để bé nghỉ ngơi.
  2. Đặt bé vào cũi khi bé mệt hoặc ngủ gật.
  3. Nếu bé thờ ơ hoặc buồn chán, hãy thay đổi hoạt động. Quan sát phản ứng của bé trước khi quý vị để bé nghỉ ngơi hoặc thu hút bé sang hoạt động khác.

Con Khó Chịu

Khi các nhu cầu của bé không được đáp ứng hoặc bé cần quý vị dỗ dành, quý vị có thể nhận thấy những tín hiệu sau:

  • Chau mày
  • Mặt đỏ lên
  • Phát ra âm thanh/bập bẹ để phàn nàn
  • Động tác giật mạnh

LỜI KHUYÊN

  1. Khi khó chịu, bé sẽ dựa vào quý vị mong được dỗ dành và giải quyết nhu cầu cho bé. Bé có thể trở nên quấy, kích động và khóc nếu không được đáp ứng nhu cầu.
  2. Theo thời gian, quý vị sẽ hiểu được con và có thể biết bé cần gì. Quý vị có thể nhận biết các tín hiệu ban đầu của bé và đáp ứng kịp thời và phù hợp trước khi bé trở nên thất vọng và la khóc. Việc chăm sóc con có thể trở nên dễ chịu hơn.

Để hiểu thêm vì sao bé khóc, quý vị có thể tham khảo tờ thông tin “Trẻ khóc lóc” để biết thêm chi tiết.

Các em bé có thể thể hiện những gợi ý khác nhau. Một số bé sẽ ngáp, nhìn chằm chằm vào khoảng không và yên lặng ngủ gật khi mệt. Một số bé trở nên quấy và cần vỗ về trước khi bé có thể dần dần tự ngủ. Các cách thể hiện gợi ý khác nhau có thể liên quan đến những khác biệt về tính khí, sự phát triển của bé và sự đáp ứng của cha mẹ, v.v. Mỗi trẻ là một cá thể duy nhất và những gợi ý của trẻ sẽ thay đổi khi trẻ lớn lên. Sự đáp ứng của quý vị đối với các gợi ý của bé sẽ đem lại môi trường an toàn để bé giữ bình tĩnh và học cách tự dỗ dành.