Sê-ri Nuôi Dạy Con Cái 21 – Nuôi Dưỡng Đức Tính và Giá Trị ở Trẻ Em 3 (4 - 6 tuổi)
Khả năng suy nghĩ khi đặt mình vào vị trí của người khác chỉ phát triển đầy đủ khi trẻ khoảng bốn tuổi. Đến thời điểm này, trẻ sẽ có khả năng hơn để học được các giá trị yêu cầu trẻ cân nhắc nhu cầu của người khác và làm theo các quy tắc, quy định. Khi trẻ lớn hơn, có thể đưa ra cho trẻ nhiều lập luận, lý lẽ hơn. Có thể hướng dẫn trẻ đoán trước hệ quả từ hành động của trẻ. Hãy nhớ rằng trẻ em học hỏi thông qua nhiều cách thức khác nhau tại những giai đoạn phát triển khác nhau. Luôn tính đến năng lực trí tuệ của trẻ khi dạy trẻ về các giá trị.
Tờ thông tin này sẽ tập trung vào một số đức tính và giá trị mà trẻ mẫu giáo lớn từ bốn tuổi trở lên sẽ có khả năng thực hành hơn:
- Tựchủ – Kiểm soát sự kích động của bản thân
- Tự giác – Kiểm soát bản thân để thường xuyên hành xử theo một cách cụ thể mà không cần người khác cho trẻ biết phải làm gì
- Trách nhiệm – Chịu trách nhiệm về hành động của bản thân
- Trách nhiệm xã hội – Quan tâm đến phúc lợi của cộng đồng và tuân thủ các quy định công cộng
Hãy suy nghĩ:
Quý vị có đồng ý rằng những đức tính trên quan trọng đối với con quý vị không?
Nếu quý vị đồng ý rằng những đức tính đó quan trọng, những thông tin sau đây sẽ minh họa các cách nuôi dưỡng những đức tính đó ở trẻ hoặc quý vị có thể sử dụng các chiến lược '6R1O' được giải thích trong Phần I (Sê-ri Nuôi Dạy Con Cái 19) để nuôi dưỡng các giá trị khác mà quý vị chọn.
Phát Triển Tính Tự Chủ cho Con
Trẻ mẫu giáo thường gặp khó khăn trong việc kiểm soát sự kích động của bản thân và dễ mất bình tĩnh. Quý vị có thể giúp con phát triển tính tự chủ bằng những chiến lược sau:
Là tấm gương tự chủ
Trong cuộc sống hàng ngày, hãy để trẻ biết rằng quý vị đang dự định để dành những thú vui lại thưởng thức sau, ví dụ: quý vị chỉ xem vô tuyến sau khi đã hoàn tất công việc giặt giũ. Hãy cho trẻ thấy quý vị tận hưởng giây phút thư thái và quý vị hài lòng khi đạt được mục tiêu.
Chỉ cho con thấy cách dừng lại và thư giãn khi đối mặt với sự chán nản
Trẻ nhỏ thường có các dấu hiệu cảnh báo trước khi có hành vi cảm xúc. Những dấu hiệu này có thể bao gồm nắm chặt tay, chau mày hoặc đỏ mắt, như thể trẻ sắp khóc. Sẽ hiệu quả hơn nếu quý vị có thể phát hiện những dấu hiệu này ngay sau khi xuất hiện và hướng dẫn trẻ thư giãn trước khi cảm xúc vượt quá tầm kiểm soát của trẻ.
- Hướng dẫn trẻ nói “Dừng lại!” với bản thân để kiềm chế những kích động về cảm xúc.
- Sau đó, giúp trẻ bình tĩnh bằng cách mô tả cảm giác của trẻ: “Bố/mẹ có thể thấy là con đang cáu kỉnh vì không nhận được thứ mà con muốn. Trước tiên con hãy bình tĩnh lại và chúng ta sẽ xem có thể làm gì nhé”.
- Dạy trẻ bình tĩnh lại bằng cách hít thở sâu trong khi quý vị chậm rãi đếm to cho trẻ.
Yêu cầu con chờ đợi để nhận những gì trẻ muốn
Để trẻ nhỏ học cách chờ đợi để nhận những gì trẻ muốn trong cuộc sống hàng ngày, ví dụ: yêu cầu con chờ đợi món nước ép mà con muốn cho đến khi quý vị hoàn tất công việc hút bụi.
- Gợi ý để con tự tổ chức một hoạt động thú vị nào đó trong lúc chờ đợi.
- Chú ý đến khoảng thời gian yêu cầu con chờ đợi. Khoảng thời gian này sẽ phụ thuộc vào độ tuổi và khả năng tự chủ của trẻ.
- Khen ngợi vì con đã kiên nhẫn chờ đợi.
Dạy con tự nói chuyện
Trẻ nhỏ cần tự nói chuyện để cho bản thân biết điều gì là không đúng đắn và cần phải làm gì để giúp bản thân chuyển sang bước tiếp theo.
- Dạy con nói chuyện với bản thân để nhắc nhở bản thân trẻ cần làm gì trong những tình huống cụ thể, ví dụ: “Mẹ nói là để dành kem ăn sau bữa bối”, “Không đánh nhau” hoặc “Bắt tay và kết bạn”.
Dự kiến hệ quả từ hành động của trẻ
- Cùng con nói về các quy tắc và giới hạn để chỉ cho trẻ thấy những điều chấp nhận được và những điều không chấp nhận được.
- Hướng dẫn con khi cần thiết bằng cách yêu cầu trẻ dừng lại và nhắc nhở trẻ về những quy tắc và giới hạn.
- Giải thích những gì trẻ đã làm là hành vi không được chấp nhận và lý do dẫn đến hình phạt của quý vị dành cho trẻ. Ví dụ: “Con không làm bài tập về nhà trong thời gian đã hứa. Giờ thì con sẽ làm bài muộn. Do đó, con sẽ không được xem chương trình truyền hình yêu thích tối nay”.
- Khen ngợi con khi nghe lời và có hành vi phù hợp. Dần dần, trẻ sẽ học được các tiêu chuẩn xã hội trong những ngữ cảnh khác nhau.
Khuyến Khích Tính Tự Giác
Phát triển khả năng tự chủ sẽ đặt nền tảng cơ sở cho tính tự giác.
- Trở thành tấm gương tốt trong việc hình thành một vài hoạt động thường lệ cho bản thân.
- Giúp con hình thành hoạt động thường lệ hàng ngày như đặt thời gian học tập, vui chơi, ăn uống và đi ngủ để hình thành những thói quen tốt cho con.
- Hướng dẫn trẻ từng bước xuyên suốt hành động thường lệ, ví dụ: dừng chơi và rửa tay trước khi ăn, ăn xong trước khi rời bàn để xem vô tuyến.
- Nhớ khen ngợi con vì đã làm theo hành động thường lệ. Sử dụng bảng sao sẽ có hiệu quả. Dần dần, bé sẽ học cách dừng hoặc hoãn các hoạt động khác và làm theo hoạt động thường lệ.
Dạy Con về Trách Nhiệm
Tạo cho con cơ hội đảm nhận trách nhiệm. Điều này sẽ giúp trẻ học hỏi về việc tham gia, hợp tác và cam kết.
- Trò chuyện với con về vai trò đóng góp của mỗi thành viên trong gia đình và gia đình thuộc về tất cả mọi thành viên trong đó. Thảo luận với trẻ về những công việc trẻ có thể làm và giao cho trẻ việc nhà hàng ngày như dọn dẹp bàn ăn, tưới cây hoặc cho thú cưng ăn.
- Thể hiện các kỹ năng sinh hoạt độc lập là một kiểu trách nhiệm khác. Để con tự bảo quản đồ của mình như cất mọi thứ vào cặp sau khi tan học hoặc treo đồng phục lên sau khi tan trường. Quý vị có thể thấy cần phải nhắc nhở và khuyến khích để trẻ dần dần hình thành từng kỹ năng mới hoặc hành vi trách nhiệm. Sau khi quý vị đã quyết định vun đắp trách nhiệm cho con, hãy cố tránh giúp trẻ quá sớm, ví dụ như mang đồ đến trường khi trẻ quên cho đồ vào cặp. Nếu làm như vậy, trẻ sẽ chỉ học cách phụ thuộc vào quý vị. Trẻ sẽ học cách có trách nhiệm hiệu quả thông qua trải nghiệm những hệ quả từ hành động của bản thân.
- Chỉ cho con thấy cam kết là gì bằng cách minh họa cách nỗ lực hết sức (ví dụ: học nướng bánh) và hoàn thành những việc đã bắt đầu (ví dụ: đan xong một bộ áo liền quần cho trẻ con). Hãy nhớ đặt ra những kỳ vọng thực tế về những gì trẻ có thể làm. Hướng dẫn trẻ nếu cần và hơn hết là phải khuyến khích và khen ngợi trẻ.
- Chỉ cho con cách chịu trách nhiệm về hành vi của bản thân bằng cách khuyến khích trẻ thừa nhận sai lầm và làm điều gì đó để bù đắp cho những gì trẻ đã làm sai. Ví dụ: trẻ có thể xin lỗi và làm lại theo cách đúng.
Vun Đắp Trách Nhiệm Xã Hội
Hướng dẫn con chịu trách nhiệm xã hội trong việc tuân thủ các quy định công cộng và quan tâm đến cộng đồng.
- Dạy con tuân thủ các quy định công cộng như trả tiền vé theo đúng độ tuổi, không ăn uống trên phương tiện công cộng.
- Làm gương cho con về đạo đức công dân, bao gồm cả việc không lợi dụng người khác (ví dụ: không chen hàng); không lấy hơn mức cần thiết (ví dụ: chỉ sử dụng vừa đủ khăn giấy để lau khô tay) và cố không xâm phạm quyền riêng tư và các quyền của người khác (ví dụ: bật nhạc quá to).
- Chỉ cho trẻ cách yêu môi trường. Ngoài việc vứt rác vào thùng rác và không lấy bất kỳ từ các công viên quốc gia, phải giữ gìn các tài nguyên hữu hạn trên trái đất bằng cách tuân thủ các nguyên tắc 4R: reduce (giảm bớt) (ví dụ: suy nghĩ kỹ trước khi mua bất kỳ thứ gì mới), reuse (tái sử dụng) (ví dụ: viết trên cả hai mặt giấy),recycle (tái chế) (ví dụ: đưa quần áo cũ và giấy bỏ đi tới ngân hàng tái chế) và replace (thay thế) (ví dụ: mang túi mua sắm riêng thay vì sử dụng túi ni-lông).
Hãy suy nghĩ:
Quý vị muốn vun đắp những giá trị gì ở con mình?
Vì đói nên quý vị cùng con đến cửa hàng bán đồ ăn nhanh. Trẻ chạy lên phía trước hàng và bắt đầu gọi món, kêu to gọi quý vị đến trả tiền. Quý vị sẽ làm gì? Sau khi đã lấy khay đồ ăn để tìm chỗ ngồi, trẻ lấy một xấp giấy ăn dày, rất nhiều gói sốt và đường. Quý vị sẽ phản ứng như thế nào?
Quý vị chính là giáo viên đầu tiên của con. Trẻ sẽ thể hiện những giá trị và đức tính thể hiện niềm tin và giá trị của chính quý vị. Nếu quý vị có thể duy trì các giá trị của chính bản thân mình, trẻ cũng sẽ có thể noi gương quý vị dễ dàng hơn. Chắc chắn việc quý vị bồi dưỡng và nuôi dạy con cái có hiệu quả sẽ có lợi đối với trẻ và những đức tính mà quý vị coi trọng sẽ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
*Tờ Thông Tin 15 và 16 trong sê-ri Nuôi Dạy Con Cái này giải thích chi tiết hơn về các chiến lược nuôi dạy con cái tích cực.
Chúng tôi tổ chức một số hội thảo và phân phát tờ thông tin về chủ đề “Happy Parenting!” (Bố Mẹ Vui Vẻ, Con Trẻ Hạnh Phúc) cho những người sắp làm bố mẹ và đang làm bố mẹ của trẻ sơ sinh và trẻ mẫu giáo. Vui lòng liên hệ với nhân viên y tế của chúng tôi để biết thông tin.