Sê-ri Nuôi Dạy Con Cái 15 - Kiểm Soát Hành Vi của Trẻ Mẫu Giáo 1
Sau khi bước vào trường mẫu giáo, trẻ có nhiều khả năng truyền đạt mong muốn, cảm xúc và suy nghĩ của mình hơn. Trẻ có thể bắt đầu mặc cả với quý vị và không nghe quý vị nói. Đồng thời, trẻ có thể thường xuyên xảy ra xung đột với các bạn đồng lứa do tính tự chủ còn non nớt. Quý vị cần hiểu và chấp nhận những đặc điểm phát triển của trẻ. Ngoài ra, cũng cần hướng dẫn rõ ràng và kỷ luật dứt khoát để khuyến khích hành vi mong muốn và giảm hành vi không mong muốn.
Khuyến Khích Hành Vi Mong Muốn
Những điểm cần ghi nhớ
Mối quan hệ tốt giữa bố mẹ và con cái tạo nền tảng để trẻ có hành vi tốt và nghe lời. Dành thời gian trò chuyện với trẻ, cùng chơi vui vẻ với trẻ. Quan tâm đến trẻ thông qua hành động chạm vào, ôm, hôn trẻ, v.v. (Xem Sê-ri Nuôi Dạy Con Cái 8 - Kỷ Luật Trẻ Mới Biết Đi Theo Cách Tích Cực). Khi quý vị và trẻ có một mối quan hệ thân thiết và tin tưởng lẫn nhau, trẻ sẽ hợp tác với quý vị hơn.
Nêu gương tốt sẽ giúp trẻ học được hành vi mong muốn. Trẻ nhỏ thường học từ việc quan sát và bắt chước người khác. Vì vậy, nêu gương tốt quan trọng hơn là khuyên răn. Kiểm tra lại bản thân xem quý vị có thể làm những điều quý vị nói không. Ví dụ: đừng hét lên nếu quý vị muốn con mình nói năng nhẹ nhàng.
Đặt kỳ vọng thực tế đối với trẻ theo đặc điểm phát triển và mức độ khả năng của trẻ. Không có trẻ nào là hoàn hảo. Quý vị cũng đừng mong đợi bản thân trở thành một ông bố/bà mẹ hoàn hảo. Nếu không, điều đó sẽ chỉ dẫn đến sự thất vọng cho cả quý vị và con quý vị.
Những Việc Quý Vị Có Thể Làm
Như đã nói ở trên, sau đây là một số cách mà quý vị có thể sử dụng để giúp con mình thiết lập hành vi mong muốn:
Đặt ra các quy tắc cơ bản
Đặt ra hành vi mục tiêu hoặc các quy tắc cơ bản cùng với trẻ để trẻ hiểu phải làm những gì. Điều này nên phù hợp với khả năng của trẻ, ví dụ: cởi giày và đặt chúng trên kệ khi trở về nhà hoặc rửa tay trước khi ăn. Quy tắc cần phải hợp lý và mọi người trong gia đình nên làm theo. Thường chỉ cần hai hoặc ba quy tắc là được.
Hướng dẫn rõ ràng và tích cực
Thu hút sự chú ý của trẻ trước khi đưa ra hướng dẫn. Quý vị có thể đến gần trẻ, gọi tên trẻ và nhìn trẻ ở mức ngang tầm mắt. Hãy chắc chắn rằng trẻ chú ý đến quý vị trước khi đưa ra hướng dẫn. Đưa ra những yêu cầu tích cực và mang tính xây dựng mà trẻ có thể hiểu. Ví dụ: hãy nói 'Con cất đồ chơi đi nhé' thay vì 'Đừng bày bừa ra'. Đưa ra hướng dẫn ngắn gọn và cụ thể. Đợi một lúc để trẻ phản hồi. Không đưa ra nhiều hướng dẫn cùng một lúc.
Khen ngợi
Khen ngợi làm tăng hành vi mong muốn và giảm hành vi không mong muốn. Khi con quý vị đang làm điều gì đó thích hợp, chẳng hạn như chơi trật tự hoặc chơi theo hướng dẫn, đừng coi đó là điều hiển nhiên. Hãy quan tâm đến trẻ và khen ngợi trẻ. Hãy đưa ra thông tin mô tả trong lời khen của quý vị. Thay vì nói: 'Tốt lắm' hoặc 'Thật là một cậu bé ngoan', hãy mô tả hành vi mà quý vị nhìn thấy: 'Con vẽ bức tranh này thật đẹp' hoặc 'Cảm ơn con vì đã dọn dẹp đồ chơi nhé’. Khi trao phần thưởng, hãy nhấn mạnh vào lời khen ngợi của quý vị, ngay cả khi trẻ có thể quan tâm đến phần thưởng hơn.
Tặng thưởng
Quý vị có thể sử dụng phần thưởng để khuyến khích hành vi tích cực. Ưu tiên tận dụng các hoạt động gia đình như đề nghị người bố dạy con chơi trò chơi trên bàn, đưa đi chơi công viên hoặc đi ăn tiệc. Phần thưởng hiệu quả khác là các hoạt động hoặc đồ vật mà trẻ thích.
Biểu đồ hành vi
Quý vị có thể sử dụng biểu đồ hành vi khi muốn gia tăng hành vi không thường xuyên ở con mình. Trẻ sẽ có thêm động lực khi được giám sát chặt chẽ. Dưới đây là một số điểm cần lưu ý:
- Đặt mục tiêu rõ ràng, cụ thể và có thể thực hiện bằng từ ngữ tích cực theo khả năng của trẻ (ví dụ: ăn xong bữa tối trong vòng 40 phút).
- Để duy trì động lực cho trẻ, trước tiên hãy nhắm đến một mục tiêu dễ thực hiện. Ví dụ: trẻ sẽ được tặng một nhãn dán mỗi khi đạt được mục tiêu ăn xong bữa tối trong vòng 40 phút. Với 3 nhãn dán, trẻ sẽ được thưởng ra sân chơi. Khi trẻ đã đạt được mục tiêu liên tục trong một tuần, quý vị có thể từng bước đặt mục tiêu khó hơn, chẳng hạn như hoàn thành bữa tối trong vòng 35 phút.
- Tặng nhãn dán hoặc đóng dấu cho trẻ thường xuyên hơn ở thời điểm ban đầu để duy trì sự hứng thú của trẻ. Hãy linh hoạt điều chỉnh tần suất và số lượng nhãn dán cần thiết để kiếm phần thưởng. Khi hành vi nhắm đến mục tiêu trở nên ổn định, hãy rút dần phần thưởng bằng cách giảm tần suất tặng nhãn dán hoặc phần thưởng, chẳng hạn như chỉ tặng một nhãn dán cách lần hoặc sở hữu 5 nhãn dán thì mới được tặng thưởng. Dần dần khiến phần thưởng trở nên khó dự đoán hơn bằng cách thỉnh thoảng mới tặng để trẻ không trở nên phụ thuộc vào phần thưởng vật chất.
- Dù quý vị tặng thưởng cho trẻ ở mức độ thường xuyên như thế nào thì hãy nhớ khen ngợi trẻ để khuyến khích hành vi mong muốn của trẻ.
- Không thu lại nhãn dán nếu trẻ không đạt được mục tiêu. Thỉnh thoảng hãy xem lại kế hoạch. Sửa đổi kế hoạch nếu cần để giữ động lực cho trẻ.
Hành động nhất quán
Nếu quý vị muốn con mình hành động nhất quán hướng tới mục tiêu, trước tiên quý vị phải làm theo kế hoạch. Tất cả những người chăm sóc tại nhà nên biết về kế hoạch và thực hiện kế hoạch theo cách thức giống nhau.
Có kế hoạch dự phòng theo kết quả
Đôi khi biểu đồ hành vi có thể phải có kế hoạch dự phòng theo kết quả để phát huy hiệu quả. Vui lòng đọc 'Sê-ri Nuôi Dạy Con Cái 16 – Kiểm Soát Hành Vi của Trẻ Mẫu Giáo II' để biết thông tin chi tiết.
Chúng tôi tổ chức một loạt hội thảo và phân phát tờ thông tin về chủ đề "Happy Parenting!" (Bố Mẹ Vui Vẻ, Con Trẻ Hạnh Phúc) cho những người sắp làm bố mẹ và đang làm bố mẹ của trẻ sơ sinh và trẻ mẫu giáo. Vui lòng liên hệ với nhân viên y tế của chúng tôi để biết thông tin.