Phá thai

(Sửa đổi nội dung vào tháng 02 năm 2016)

Khi mang thai ngoài ý muốn, quý vị sẽ có các lựa chọn sau:

  1. Quý vị có thể giữ thai để sinh và nuôi dạy con cái, cho dù cha của bé có giúp đỡ hay không.
  2. Quý vị có thể giữ thai để sinh và cho bé được nhận nuôi
  3. Quý vị có thể phá thai.

Các tổ chức Birthright Society và Mother's Choice đều hỗ trợ những phụ nữ muốn giữ thai để sinh và giúp họ thu xếp cho con được nhận nuôi sau khi sinh nếu họ quyết định như vậy.

Quyết định có phá thai khi mang thai ngoài ý muốn hay không có lẽ là một trong những quyết định khó khăn nhất. Việc để người khác, ít nhất là cha của bé, tham gia quá trình ra quyết định sẽ là bước đầu tiên thông minh.

Tại Hồng Kông, phá thai là hợp pháp trong hai trường hợp:

  1. Nếu việc giữ thai để sinh sẽ tạo nguy cơ đe dọa tính mạng, sức khỏe thể chất hoặc tâm thần của người phụ nữ cao hơn so với khi phá thai.
  2. Nếu trẻ sẽ bị khuyết tật nghiêm trọng khi sinh ra do bất thường về thể chất hoặc tâm thần.

Không được tiến hành thủ thuật này sau khi thai được 24 tuần, trừ khi cần thiết để cứu tính mạng người mẹ.

Tôi có thể phá thai ở đâu?

Phải có hai bác sĩ tiến hành đánh giá. Nếu cả hai đều đồng ý nên phá thai trên tinh thần thiện chí thay mặt cho người mẹ hoặc thai nhi thì có thể tiến hành phá thai. Hiện này, chỉ có thể tiến hành phá thai hợp pháp tại Hiệp Hội Kế Hoạch Hóa Gia Đình hoặc các bệnh viện như được công bố trên Công Báo. Quý vị có thể đến các phòng khám sau để được giúp đỡ hoặc giới thiệu.

  1. Hiệp Hội Kế Hoạch Hóa Gia Đình, điện thoại 2575 4477
    (http://www.famplan.org.hk)
  2. Trung Tâm Chăm Sóc Sức Khỏe Bà Mẹ & Trẻ Em, Bộ Y Tế.
    (http://www.fhs.gov.hk/english/centre_det/maternal/maternal.html)
  3. Các Bệnh Viện Tư Nhân

Hỗ trợ giữ thai để sinh

  1. Quý vị có thể liên hệ tổ chức Birthright Society khi gọi số 2337 5551
  2. Quý vị có thể liên hệ tổ chức The Mother's Choice khi gọi số 2868 2022
    (https://www.motherschoice.org/en/)

Phá thai như thế nào?

Nói chung, có thể tiến hành phá thai bằng phương pháp phẫu thuật hoặc dùng thuốc.

  • Khi phẫu thuật để phá thai, trước tiên là làm giãn cổ tử cung bằng thuốc. Tiến hành hút tử cung bằng một ống thông hút hẹp để loại bỏ hoặc hút thai ra ngoài. Có thể tiến hành thủ thuật khi gây mê hoặc gây tê cục bộ. Thai phụ có thể cảm nhận mức độ đau thay đổi sau khi tiến hành thủ thuật, trong trường hợp này thuốc giảm đau có thể hiệu quả.
  • Cũng có thể dùng thuốc để kích thích tử cung co bóp đẩy các mô của thai nhi ra ngoài. Tuy nhiên, thường xuyên chỉ có thể đẩy một phần mô của thai nhi ra ngoài. Có thể cần tiến hành hút tử cung như vừa trình bày trên đây để hoàn tất thủ thuật.

Quý vị có thể thảo luận với bác sĩ của mình để tìm ra phương pháp phù hợp nhất.

Khi phá thai sẽ có những biến chứng nào?

Khi được tiến hành hợp pháp, việc phá thai là an toàn và quả thực không thường gặp biến chứng. Tuy nhiên, thi thoảng vẫn có thể xảy ra các biến chứng:

  • Phản ứng với thuốc được sử dụng
  • Biến chứng liên quan đến kỹ thuật gây mê
  • Rách cổ tử cung
  • Chưa phá sạch thai
  • Chảy máu
  • Thủng hoặc vỡ tử cung
  • Nhiễm trùng hoặc dính chặt bên trong tử cung

Thủ thuật có thể không thành công hoặc không sạch, cần can thiệp thêm:

  • Nếu xảy ra nhiễm trùng thì có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này.
  • Phẫu thuật phá thai cũng có thể ảnh hưởng đến việc mang thai sau này. Cổ tử cung có thể quá rộng để giữ thai và dẫn đến sảy thai hoặc sinh non. Cũng có thể khó sổ nhau thai.

Nói chung, tuổi thai phụ càng cao thì nguy cơ sẽ càng cao.

Nguy cơ khi phá thai bất hợp pháp còn cao hơn nhiều. Tất cả những biến chứng trên đây đều có thể xảy ra với tần suất cao hơn nhiều, thậm chí có thể dẫn đến tử vong! Trong một báo cáo do Hiệp Hội Kế Hoạch Hóa Gia Đình Quốc Tế công bố mới đây, 13% số ca người mẹ tử vong trên toàn thế giới là do phá thai không an toàn.

Quan trọng nhất là không được coi nhẹ tác động tâm lý bất lợi sau khi phá thai.

Cách tránh tất cả những biến chứng này?

Cách tốt nhất để ngăn ngừa các biến chứng liên quan đến phá thai là sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả, bao gồm cả tránh thai sau khi quan hệ tình dục. Cần thảo luận về vấn đề kế hoạch hóa gia đình với bạn đời và thực hiện từ trước.

Có thể tiến hành đặt dụng cụ tránh thai và thắt ống dẫn trứng trong khi phá thai. Vui lòng thảo luận với bác sĩ có liên quan.

Tôi có thể được Tư Vấn Tránh Thai ở đâu?

  1. Hiệp Hội Kế Hoạch Hóa Gia Đình Hồng Kông,
    Điện thoại 2575 4477
  2. Trung Tâm Chăm Sóc Sức Khỏe Bà Mẹ & Trẻ Em, Bộ Y Tế.
    (http://www.fhs.gov.hk/english/centre_det/maternal/maternal.html)
  3. Bác Sĩ Tư Nhân