Sê-ri Nuôi Dạy Con Cái 17 – Học Tập Vui Vẻ I
Có phải con quý vị luôn không muốn tập đàn piano không? Quý vị có cần thường xuyên thúc giục trẻ hoàn thành bài tập hoặc trẻ chưa từng muốn cầm một cuốn sách để đọc không?
Những hành vi được mô tả ở trên cho thấy hình ảnh một đứa trẻ thụ động trong học tập. Ngay từ khi sinh ra, trẻ em đã có tính tò mò và thích khám phá. Ngày nay, nhiều trường học và gia đình yêu cầu trẻ phải học rất nhiều và có thành tích cao hơn. Trẻ có thể dễ dàng mất động lực học khi phải học theo yêu cầu. Khi đó, người lớn có thể sử dụng mọi cách, bao gồm cả đe dọa và mua chuộc để cố gắng động viên trẻ. Kết quả là trẻ có xu hướng học để lấy phần thưởng, để cạnh tranh với người khác hoặc làm hài lòng người khác. Phụ huynh và những người chăm sóc trẻ nên duy trì tính tò mò của trẻ và tăng cường động lực học tập của trẻ. Làm như vậy, trẻ sẽ tích cực trong học tập và tỏ ra thích thú để khám phá thế giới.
Giúp Trẻ Chủ Động Học Tập
Trẻ em có động lực học tập sẽ không dễ dàng bỏ cuộc. Trẻ sẽ thử nhiều cách khác nhau để giải quyết một vấn đề. Vì không coi điểm thi là mục tiêu duy nhất nên trẻ thường có thể đạt được kết quả học tập tốt hơn. Để giúp trẻ chủ động học tập, quý vị cần khiến cho trẻ cảm thấy việc học rất thú vị và mang lại cảm giác thỏa mãn. Quý vị có thể giúp trẻ đạt được điều đó thông qua nâng cao lòng tự trọng, cảm giác thành công, sự kiên trì và tính sáng tạo của trẻ.
1. Duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa bố mẹ và con cái
- Trẻ em cần sự quan tâm và hỗ trợ của bố mẹ. Xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp với trẻ là điều quan trọng. Hãy thường xuyên tương tác với trẻ và nói chuyện với trẻ. Bản chất của thời gian hoàn toàn tập trung cho trẻ là bố mẹ cùng tham gia với trẻ chứ không phải lượng thời gian dành cho trẻ. Quý vị sẽ hiểu con mình hơn, tạo điều kiện cho con phát triển ngôn ngữ, đồng thời nuôi dưỡng cảm xúc ổn định và sự hợp tác trong học tập.
2. Thiết lập thói quen hàng ngày
- Giúp trẻ hình thành thái độ và thói quen học tập tốt bằng cách thiết lập các thói quen thường xuyên hàng ngày ngay từ khi còn nhỏ, chẳng hạn như đi ngủ đúng giờ, thời gian học tập, vui chơi và đọc sách. Điều đó giúp trẻ phát triển tính độc lập và tự giác trong sinh hoạt hàng ngày.
- Đọc sách hàng ngày với trẻ là điểm khởi đầu để nuôi dưỡng sở thích và thói quen đọc sách của trẻ. Hãy chọn những cuốn sách thú vị để đọc cùng trẻ và cùng nhau thảo luận về nội dung. Hãy nhớ rằng đọc sách ở giai đoạn này chỉ nhằm mục đích giải trí. Vì vậy, đừng biến hoạt động đọc sách thành nhiệm vụ nhận diện từ ngữ.
3. Đặt kỳ vọng thực tế
- Tôn trọng những điểm khác biệt và cách học của từng trẻ
- Mỗi trẻ là một cá thể duy nhất và ngay từ khi sinh ra đã có những điểm khác nhau. Tìm hiểu các đặc điểm của trẻ thông qua việc quan sát trẻ chơi, tương tác với bạn bè cùng trang lứa hoặc các hành vi hàng ngày khác của trẻ. Đặt kỳ vọng thực tế về cách học của trẻ và chấp nhận những điểm khác biệt. Hãy học cách đánh giá cao khả năng của trẻ ở các khía cạnh khác nhau.
- Điều chỉnh nhịp độ học tập, hướng dẫn trẻ nhiều hơn và khám phá những tiềm năng của những trẻ yếu kém hơn. Đối với những trẻ có năng lực hơn, quý vị có thể đặt ra những mục tiêu tương đối cao hơn để trẻ phát huy hết tiềm năng của mình trong khi vẫn duy trì sở thích học tập.
- Tôn trọng việc trẻ có các cách học tập khác nhau. Ví dụ: một số trẻ thích suy nghĩ và thể hiện bản thân (kiểu 1), trong khi những trẻ khác thích học hỏi thông qua quan sát và tiếp xúc trực tiếp (kiểu 2). Để tạo điều kiện cho những trẻ thuộc kiểu 1 học hỏi, quý vị có thể kích thích tư duy của trẻ bằng cách tổ chức thảo luận với trẻ. Những trẻ thuộc kiểu 2 có thể học hỏi tốt hơn thông qua minh hoạt trực tiếp và các hoạt động ngoài trời.
- Hãy lưu tâm đến những điểm mạnh và điểm yếu của con quý vị và giúp trẻ có được những trải nghiệm học tập thành công. Khi làm như vậy, trẻ sẽ nghĩ về bản thân một cách tích cực, phát triển tiềm năng và nâng cao lòng tự trọng của mình. Những trẻ thấy mình vô dụng sẽ thiếu tự tin khi thử những điều mới mẻ, chưa nói đến việc khám phá hết khả năng của mình.
- Cho phép trẻ đối mặt với những thách thức
- Trẻ cần tự mình trải qua khó khăn, học hỏi từ những sai lầm và đương đầu với thất bại để hiểu biết nhiều hơn về thế giới và xây dựng lòng tự tin. Đừng bảo vệ trẻ quá mức hoặc đặt ra quá nhiều giới hạn cho trẻ vì sợ rằng trẻ có thể thất bại hoặc làm rối tung lên.
- Hãy để trẻ cố gắng tự giải quyết vấn đề. Đừng đưa ra gợi ý hoặc đáp án trực tiếp. Cho phép trẻ mắc lỗi. Ví dụ: khi trẻ gặp khó khăn trong việc giải một câu đố, trước tiên hãy quan sát cách trẻ giải quyết vấn đề. Hãy nhắc trẻ khi cần thiết bằng cách nói những câu như: "Hãy xem mảnh nào có cùng màu với mảnh này nhé”.
- Cùng trẻ đặt ra các mục tiêu ngắn hạn thực tế. Ví dụ: trẻ sẽ phải chơi chính xác tám nhịp khi tập đàn piano. Khuyến khích trẻ đạt được mục tiêu.
- Sau khi trẻ hoàn thành nhiệm vụ, hãy khen trẻ vì đã cố gắng vượt qua khó khăn, thử thách. Quý vị cũng có thể thảo luận với trẻ về quá trình đã trải qua, xem xét phương thức học tập của trẻ và xác định điều nào đó mà trẻ có thể cải thiện. Khi trẻ đã hoàn thành nhiệm vụ một cách cố gắng, cảm giác thành công sẽ chuyển thành động lực học tập.
4. Khuyến khích và khen ngợi
- Nếu được sử dụng không đúng cách, những lời khen sẽ khiến trẻ trở nên kiêu căng và tự phụ quá mức. Ngược lại, điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy hụt hẫng và mất tự tin khi gặp thất bại và thử thách.
- Đánh giá cao và khen ngợi sự nhiệt tình và nỗ lực của trẻ trong học tập thay vì khen ngợi khả năng của trẻ. Thay vì nói những câu như “Con thật xuất sắc khi hoàn thành công việc”, hãy mô tả trực tiếp những việc con quý vị đã làm, như: “Bố/Mẹ tự hào về con vì con đã nỗ lực hoàn thành tốt công việc!”
- Khen ngợi trước khi quý vị góp ý cho trẻ. Góp ý phải mang tính xây dựng và có thể thực hiện được: “Lần sau, con có thể tô màu dọc theo đường viền của hình trước khi tô phần bên trong để giữ màu không bị lem ra ngoài đường kẻ”. Không đặt biệt danh hoặc chỉ trích trẻ, chẳng hạn như gọi trẻ là "đồ ngốc". Không yêu cầu trẻ làm lại bài tập vì điều này có thể ảnh hưởng đến sự ham học hỏi của trẻ.
5. Xác định sở thích và khuyến khích sáng tạo
- Trẻ mẫu giáo hiếu động, tò mò với mọi thứ xung quanh và ham mê khám phá. Cho phép trẻ tự do khám phá trong một môi trường an toàn với ít hạn chế nhất, chỉ gồm những hạn chế cần thiết. Ví dụ: cho phép trẻ viết nguệch ngoạc trong một khu vực cụ thể hoặc để trẻ tháo đồ chơi thành nhiều phần để thỏa mãn trí tò mò của trẻ.
- Khuyến khích sự sáng tạo của trẻ. Cho trẻ tham gia các hoạt động liên quan đến tưởng tượng và tư duy như vẽ, lắp ráp khối hình, nặn đất sét và bột hoặc chơi giả vờ. Quý vị cũng có thể hướng dẫn trẻ sử dụng các vật dụng trong nhà (ví dụ như tạp chí cũ và chai nhựa) để làm đồ chơi.
- Tham gia vào các hoạt động của trẻ và hoàn thành một dự án sáng tạo với trẻ. Hãy để trẻ chủ động mà không cần hướng dẫn trực tiếp cho trẻ. Nhớ khen ngợi trẻ vì những nỗ lực và kết quả đạt được trong quá trình đó.
- Trẻ em ở độ tuổi này thích hỏi "tại sao". Các câu hỏi phản ánh sở thích của trẻ đối với các môn học cụ thể. Hãy kiên nhẫn lắng nghe những câu hỏi của trẻ. Sử dụng các câu hỏi hướng dẫn để gợi ý trẻ đưa ra câu trả lời cho các câu hỏi và gợi ra các câu hỏi khác. Ví dụ: “Con muốn biết lý do tại sao một chiếc xe hơi chuyển động. Hãy xem những bộ phận nào đang chuyển động khi ô tô chuyển động nhé”. Bằng cách này, quý vị sẽ giúp trẻ mở rộng ý tưởng của mình.
- Điều mà quý vị cho là thú vị có thể không nhất thiết là điều thú vị đối với con quý vị. Hãy thảo luận với trẻ khi quý vị đăng ký cho trẻ tham gia các lớp học theo sở thích. Quý vị nên chú ý đến lịch sinh hoạt của trẻ, để trẻ có thời gian nghỉ ngơi và thời gian rảnh rỗi. Một thời gian biểu dày đặc chưa chắc đã tốt cho trẻ mà còn khiến trẻ kiệt sức về thể chất và tinh thần.
6. Mở rộng phạm vi học hỏi của trẻ
- Ngoài việc khuyến khích trẻ đọc nhiều hơn và sáng tạo, quý vị cũng có thể tăng cường cơ hội học hỏi cho trẻ bên ngoài trường học. Bằng cách đó, trẻ có thể tiếp xúc với những điều mới mẻ và học hỏi thông qua các trải nghiệm giác quan khác nhau. Thường xuyên đưa trẻ đi thăm các viện bảo tàng, thư viện, vườn thú và vườn bách thảo. Đọc tên món ăn trong thực đơn nhà hàng với trẻ cũng là ví dụ khơi gợi việc học hỏi trong cuộc sống hàng ngày.
- Thiên nhiên là nguồn tài nguyên dồi dào nhất để khơi gợi trí tò mò của trẻ. Hãy sắp xếp nhiều hoạt động ngoài trời cho trẻ, chẳng hạn như đi thăm các công viên đồng quê và bãi biển. Thu thập thông tin liên quan trước chuyến thăm. Hãy để trẻ tự do khám phá trong môi trường. Thảo luận với trẻ những điều mà trẻ thấy thú vị sẽ kích thích khả năng tư duy và ngôn ngữ của trẻ.
- Các sản phẩm công nghệ như máy tính, tivi, VCD, trò chơi điện tử, điện thoại di động và thiết bị điện tử cầm tay khác cung cấp thông tin phong phú và cách thức học tập mới lạ. Mặc dù chỉ cần ngồi nhà mà vẫn có thể đi vòng quanh thế giới nhưng trẻ có thể bị chìm đắm với các sản phẩm này nếu tiếp xúc quá sớm. Điều này sẽ làm giảm cơ hội trẻ khám phá bằng các phương tiện khác và ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ về các khía cạnh xã hội, giác quan và vận động. Vì vậy, hãy giới hạn thời gian sử dụng các thiết bị này dưới 1 giờ mỗi ngày. Đồng hành với trẻ và hướng dẫn về hoạt động để nâng cao giá trị giáo dục của hoạt động.
7. Mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường
- Khi chọn trường phù hợp cho con, hãy tìm hiểu thêm về sứ mệnh và phương thức giảng dạy của các trường khác nhau. Điều quan trọng không kém là phải hiểu rõ năng lực và cách học tập của con mình trước khi chọn trường. Ngoài ra, việc này cũng có ích khi hướng dẫn trẻ làm bài tập ở trường sau này.
- Thường xuyên trao đổi với giáo viên mẫu giáo để hiểu cách trẻ điều chỉnh và thực hiện. Nói chuyện với trẻ về những trải nghiệm ở trường mẫu giáo và hướng dẫn trẻ học tập khi cần thiết.
8. Nêu gương tốt
- Để con quý vị phát triển những phẩm chất được mô tả ở trên và chủ động học tập, hãy thực hiện những điều quý vị khuyên răn trẻ. “Gia đình học tập” là hình mẫu gia đình có bố mẹ ham học hỏi, thể hiện giao tiếp tốt giữa bố mẹ và con cái và các thành viên học hỏi lẫn nhau. Hãy nhớ rằng, những nỗ lực ngày hôm nay của quý vị sẽ tạo nên tương lai tươi sáng cho con quý vị!
Chúng tôi tổ chức một loạt hội thảo và phân phát tờ thông tin về chủ đề "Happy Parenting!" (Bố Mẹ Vui Vẻ, Con Trẻ Hạnh Phúc) cho những người sắp làm bố mẹ và đang làm bố mẹ của trẻ sơ sinh và trẻ mẫu giáo. Vui lòng liên hệ với nhân viên y tế của chúng tôi để biết thông tin.