Sê-ri Nuôi Dạy Con Cái 8 - Kỷ Luật Trẻ Mới Biết Đi Theo Cách Tích Cực
Hiểu Trẻ
Khi có thể đi lại và nói chuyện sau sinh nhật đầu tiên của mình, trẻ trở nên độc lập hơn. Trẻ sẽ vội vàng hấp tấp khám phá và thử nghiệm những khả năng mới của mình. Tuy nhiên, nhà khoa học nhỏ này vẫn chưa có khả năng tư duy toàn diện. Vì vậy, có vẻ như con quý vị, sau thời gian hoàn toàn phụ thuộc và nghe lời, đã trở nên hơi mất kiểm soát. Quý vị có thể thấy trẻ thường xuyên thử nghiệm giới hạn của mình, chống lại mệnh lệnh của quý vị và làm quý vị khó chịu. Tuy nhiên, trẻ không cố ý thách thức quý vị. Giai đoạn này có thể kéo dài cho đến khi trẻ đi học mẫu giáo. Lúc này, điều quan trọng nhất là quý vị phải giúp trẻ hiểu trẻ có thể làm gì và không được làm gì.
Áp Dụng Kỷ Luật Tích Cực
Kỷ luật tích cực được xây dựng dựa trên mối quan hệ thân thiết giữa bố mẹ và con cái, bao gồm cả sự thấu hiểu và tin tưởng lẫn nhau giữa quý vị và trẻ. Kỷ luật tích cực có nghĩa là sử dụng các phương pháp mang tính xây dựng và không gây đau đớn để thúc đẩy phát triển các hành vi xã hội và quan niệm tích cực về bản thân ở trẻ. Điều này liên quan đến nhận biết cảm xúc của trẻ, hiểu nhu cầu phát triển của trẻ, ghi nhận và khuyến khích các hành vi mong muốn của trẻ, thiết lập và duy trì các giới hạn hợp lý. Điều này giúp quý vị đối phó với trẻ một cách bình tĩnh và giúp trẻ lớn lên trở thành một bạn nhỏ hợp tác và vui vẻ.
Chú Ý và Khen Ngợi
Khen ngợi có làm hư trẻ không?
Trẻ sẽ không hư khi được khen. Trên thực tế, chỉ những trẻ ít nhận được lời khen ngợi hoặc phần thưởng từ người lớn mới có xu hướng dễ bị lôi cuốn bởi lời khen. Trẻ cũng có xu hướng đòi hỏi phần thưởng trước khi thực hiện các yêu cầu.
Trẻ mới biết đi cần được chú ý và khen ngợi xây dựng lòng tự tin khám phá và học hỏi. Những trẻ thường xuyên được bố mẹ khen ngợi về những hành vi mong muốn cụ thể sẽ phát triển lòng tự trọng cao. Điều này cuối cùng sẽ khiến trẻ bớt phụ thuộc vào việc mong chờ được chấp thuận và phần thưởng mới cư xử tốt. Trẻ sẽ có nhiều khả năng nhìn nhận người khác một cách tích cực khi lớn lên.
- Hãy thoải mái chú ý và khen ngợi trẻ
Khen ngợi trẻ bất cứ khi nào quý vị thấy trẻ ngoan. Những hành vi hàng ngày mà chúng ta thường coi là đương nhiên, chẳng hạn như ngồi yên lặng để chơi hoặc không động đến những thứ mà trẻ không được chạm vào, là những hành vi tích cực mà quý vị cần chú ý và khen ngợi. Nếu quý vị nhanh chóng chú ý đến những hành vi tích cực của trẻ sẽ gia tăng khả năng trẻ lặp lại hành vi tốt.
- Chú ý đến trẻ bằng cách:
- Nhìn trẻ và mỉm cười
- Chạm nhẹ vào trẻ
- Ôm trẻ
- Vỗ tay
- Giơ ngón tay cái lên
- Cúi xuống ngang tầm mắt trẻ khi nói chuyện
- Khi khen ngợi trẻ:
- Hãy thể hiện thái độ tích cực. Quý vị có thể nói: "Con gái mẹ chơi một mình ngoan quá!", :"Cảm ơn con đã ngồi yên trong ghế để ăn nhé", "Con thật ngoan khi không động vào món đồ đó.
- Hãy thẳng thắn, ngắn gọn và cụ thể.
- Tránh chỉ trích hoặc làm trẻ cảm thấy xấu hổ vì điều này có thể làm giảm giá trị những lời khen của quý vị và khiến trẻ cảm thấy bối rối. Ví dụ: "Con trai ngoan nhưng lần sau đừng có nghịch ngợm như thế nữa nhé".
- Hãy nhanh chóng cho trẻ biết quý vị đang khen ngợi trẻ vì điều gì,
- Khen ngợi cố gắng của trẻ thay vì thảnh tích để duy trì động lực và định hình hành vi của trẻ theo hướng mong muốn.
- Thời Gian Hoàn Toàn Tập Trung cho Trẻ và Các Hoạt Động Thu Hút
Trẻ mới biết đi hiếu động đòi hỏi quý vị chú ý và dành nhiều thời gian hơn cho trẻ. Hãy cố gắng dành chút thời gian đặc biệt, mặc dù có thể trong thời gian ngắn, để chơi và nói chuyện với trẻ mỗi ngày. 'Khoảng thời gian hoàn toàn tập trung cho trẻ' mà quý vị và trẻ ở bên nhau này sẽ tăng cường gắn kết và khiến trẻ tin tưởng hơn vào quý vị, tạo cơ sở để kiểm soát hành vi hiệu quả.
Đôi khi quý vị có thể quá bận rộn để dành thời gian, dù chỉ một khoảnh khắc ngắn ngủi với trẻ. Hãy đảm bảo tổ chức các hoạt động để thu hút trẻ tại thời điểm đó để trẻ ít có khả năng gặp rắc rối. Các hoạt động phải thú vị đối với trẻ và phù hợp với mức độ phát triển của trẻ. Ngoài đồ chơi, hộp rỗng, hộp đựng đồ hoặc đồ gia dụng bền chắc đều có thể mang đến niềm vui và sáng tạo. Quý vị có thể duy trì tính mới mẻ của các hoạt động cho trẻ bằng cách xoay vòng định kỳ cất một vài trong số những thứ trên. Đừng quên khuyến khích trẻ bằng cách dành cho trẻ sự quan tâm và lời khen ngợi ngắn gọn, khi trẻ nhìn thấy hoặc lại gần quý vị, trong khi trẻ vẫn tham gia vào các hoạt động đó.
Đặt Ra Giới Hạn và Kiểm Soát Hành Vi Sai Trái
Trẻ mới biết đi thường tích cực khám phá nhưng có thể trẻ không biết mình nên làm gì hoặc không nên làm gì. Trẻ không cố ý làm điều đó để thách thức quý vị.
Trẻ mới biết đi có quá nhỏ để áp dụng các quy tắc cho trẻ không?
Trẻ cần được thiết lập giới hạn rõ ràng và nhất quán để giúp trẻ hiểu những yêu cầu từ người lớn. Nếu quý vị cho phép con mình làm bất cứ điều gì chúng thích mà hầu như không có giới hạn rõ ràng, quý vị sẽ thấy khó kiểm soát hơn khi trẻ đã phát triển các kiểu mẫu hành vi không thể chấp nhận được. Giúp trẻ tuân theo quy tắc và tự kiểm soát bằng cách đặt ra giới hạn sẽ giúp quý vị nuôi dạy con cái dễ dàng và vui vẻ hơn.
Việc đặt ra giới hạn có khiến trẻ quá phụ thuộc không?
Khả năng tư duy hợp lý và phán đoán của trẻ vẫn đang phát triển. Trẻ cần quý vị giám sát để đảm bảo an toàn. Điều quan trọng hơn là hướng dẫn của quý vị có thể giúp trẻ hiểu được những hành vi nào được chấp nhận và những hành vi nào không được chấp nhận, đồng thời điều chỉnh, xử lý thành công với các yêu cầu của người lớn đối với trẻ.
Trẻ có thể bị choáng ngợp bởi quá nhiều quy tắc và giới hạn. Đôi khi quý vị có thể khuyến khích trẻ phát triển tính tự chủ và giải quyết vấn đề bằng cách cho phép trẻ đưa ra quyết định phù hợp với độ tuổi. Ví dụ: quý vị có thể để trẻ khám phá các cách chơi khác nhau trong giới hạn hợp lý hoặc chọn quần áo hoặc đồ ăn nhẹ ưa thích của trẻ trong một vài lựa chọn.
Đánh đòn hoặc dọa nạt có hiệu quả hơn không?
Đánh đòn hoặc dọa nạt có thể khiến trẻ ngừng hành vi sai trái ngay lập tức. Tuy nhiên, cách này chỉ hiệu quả trong thời gian ngắn. Trí nhớ của trẻ mới biết đi chưa phát triển hoàn toàn và trẻ có thể sớm quên đi hậu quả khó chịu này. Trẻ cần học hỏi cách thức có thể chấp nhận được từ quý vị để cư xử, nếu không, trẻ sẽ chỉ lặp lại hành vi không mong muốn. Việc sử dụng các phương pháp kỷ luật tích cực mang tính xây dựng và không gây đau đớn sẽ hiệu quả hơn trong việc dạy dỗ trẻ cách cư xử.
Các Bước Kiểm Soát Hành Vi
- Đặt ra 2-3 quy tắc đơn giản ở nhà, ví dụ: "hỉ rời khỏi chỗ ngồi sau khi ăn xong". Xác định rõ ràng các khu vực trong nhà mà trẻ mới biết đi không được vào (ví dụ: nhà bếp)
- Tất cả những người chăm sóc phải tuân theo các quy tắc đặt ra một cách nhất quán và kiên quyết.
- Đưa ra hướng dẫn rõ ràng.
- Khi trẻ không tuân theo các quy tắc, hãy bình tĩnh. Cố gắng tìm hiểu cảm giác và nhu cầu của trẻ. Sau đó kiên quyết từ chối trẻ bằng cử chỉ dứt khoát. Khen ngợi trẻ nếu trẻ ngừng hành vi đó lại. Nếu trẻ không dừng lại, hãy hướng dẫn trẻ làm theo lệnh của quý vị, chẳng hạn như bế trẻ lên và đặt trẻ trở lại chỗ ngồi của mình hoặc dẫn trẻ ra khỏi ‘khu vực cấm’. Sau đó thu hút trẻ tham gia một hoạt động thú vị nào đó hoặc bằng cách làm cho hoạt động mà trẻ phải làm trở nên thú vị.
- Nếu trẻ có hành vi nguy hiểm, hãy ngăn trẻ lại ngay lập tức và nói rõ ràng với trẻ việc trẻ nên làm. Ví dụ: "Đừng động vào ổ cắm. Hãy đến đây chơi với mẹ nào", "Đừng leo trèo nữa. Hãy xuống chơi bóng đi nào". Sau đó, khen ngợi trẻ khi trẻ thực hiện theo và thu hút trẻ tham gia một hoạt động thú vị khác.
- Nếu trẻ vẫn không thực hiện theo, thậm chí la hét hoặc nằm trên sàn để phản đối, quý vị có thể sử dụng những cách sau để giúp điều chỉnh cảm xúc của trẻ và khiến trẻ hợp tác:
- Trẻ mới biết đi thường coi mình là trung tâm và khả năng điều chỉnh cảm xúc cũng như chịu đựng sự thất vọng còn hạn chế. Khi khó chịu, trẻ có thể dễ dàng phản ứng, thường được người lớn gọi là “ăn vạ”. Trẻ cần có sự hướng dẫn của bố mẹ để điều chỉnh cảm xúc của mình. Khi trẻ có phản ứng cảm xúc mạnh mẽ, quý vị có thể ở bên cạnh trẻ, nhẹ nhàng dỗ hoặc ôm trẻ, đồng thời ghi nhận cảm xúc của trẻ và bày tỏ nhu cầu của trẻ bằng những từ đơn giản, chẳng hạn như: "con tức giận vì con không có vật đó ngay lập tức". Cố gắng hướng dẫn trẻ hợp tác khi cả quý vị và trẻ cảm thấy khá hơn.
- Đôi khi trẻ có thể muốn được chú ý bằng cách la hét và lăn lộn trên sàn để xem quý vị sẽ phản ứng như thế nào hoặc để kiểm tra xem quý vị có làm như quý vị đã nói hay không. Nếu hành vi không phù hợp của trẻ ở mức độ nhẹ và cả quý vị và trẻ đều ở trong môi trường an toàn, quý vị có thể 'cố tình phớt lờ', tức là không để ý đến trẻ, thậm chí không nhìn trẻ. Khi áp dụng đúng và kiên quyết cách này, những hành vi không phù hợp này sẽ sớm biến mất. Nhưng nếu quý vị chú ý đến trẻ theo bất kỳ cách nào, bao gồm mỉm cười, nói chuyện hoặc hét lên với trẻ, những hành vi không phù hợp sẽ được củng cố thêm vì quý vị chú ý và sẽ tiếp tục diễn ra. Khi không chú ý đến trẻ trong khi cố tình phớt lờ, hãy chuẩn bị tinh thần rằng ban đầu, hành vi không phù hợp của trẻ sẽ trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, nếu quý vị vẫn tiếp tục phớt lờ, trẻ sẽ ngừng hành vi đó. Ngay sau khi trẻ dừng hành vi không phù hợp, quý vị có thể chú ý đến trẻ ngay lập tức và hướng trẻ đến một hoạt động khác.
- Nếu trẻ tiếp tục phản kháng hoặc ăn vạ đến mức có thể ảnh hưởng tơi người khác, quý vị có thể cần đưa trẻ ra khỏi địa điểm đó. Giữ bình tĩnh và hành động một cách điềm nhiên. Ôm trẻ từ phía sau, ôm cánh tay và thân trên của trẻ để trẻ bớt vùng vẫy. Không có phản ứng nào khác với trẻ cho đến khi trẻ bình tĩnh lại. Bằng cách này, trẻ có thể bình tĩnh trở lại khi tránh xa tình huống gây tức giận. Thông qua hành động kiềm chế trẻ không gây tổn thương và đưa trẻ rời khỏi hiện trường, quý vị đang bảo vệ trẻ và mang lại cảm giác an toàn cho trẻ. Đồng thời, thái độ cứng rắn của quý vị cho trẻ biết là quý vị sẽ tuân thủ các quy tắc.
- Khi trẻ bình tĩnh lại, hãy khen ngợi trẻ vì không còn ồn ào và đã hợp tác. Sau đó đưa trẻ trở lại với hoạt động thu hút.
Mỗi trẻ ở độ tuổi tập đi là một cá thể duy nhất. Có thể con quý vị cần thời gian lâu hơn để hiểu và tuân theo kỷ luật của quý vị. Chỉ cần quý vị kiên trì nhất quán áp dụng kỷ luật tích cực – nuôi dưỡng trẻ bằng sự quan tâm và khuyến khích tích cực, đồng thời kiểm soát trẻ một cách điềm tĩnh, kiên quyết và kiên nhẫn trong giới hạn rõ ràng – trẻ sẽ học cách tuân theo các quy tắc xã hội, biết tự kiểm soát và xây dựng lòng tự trọng trong quá trình phát triển của mình.
Chúng tôi tổ chức một loạt hội thảo và phân phát tờ thông tin về chủ đề "Happy Parenting!” (Bố Mẹ Vui Vẻ, Con Trẻ Hạnh Phúc) cho những người sắp làm bố mẹ, đang làm bố mẹ của trẻ sơ sinh và trẻ mẫu giáo. Vui lòng liên hệ với nhân viên y tế của chúng tôi để biết thông tin.