Sê-ri Nuôi Dạy Con Cái 5 - Bài Hát Ru Con I - Xây Dựng Nếp Ngủ Đúng Giờ Giấc
Những người lần đầu làm bố mẹ có rất nhiều câu hỏi về giấc ngủ của trẻ như "Con tôi thức giấc nhiều lần vào ban đêm, việc đó có bình thường không? Sao trẻ không thể tự ngủ? Khi nào trẻ sẽ có thể ngủ cả đêm?" Nếu bố mẹ có thể tìm hiểu thêm về các đặc điểm trong giấc ngủ của trẻ và cùng với những hỗ trợ khác, trẻ có thể dần dần học cách xây dựng thói quen ngủ hợp lý và tự dỗ mình vào giấc ngủ. Cả quý vị và con quý vị đều có thể tận hưởng một giấc ngủ ngon.
Trạng Thái Ngủ của Trẻ
- Trẻ có các trạng thái ngủ khác nhau – buồn ngủ, ngủ nông/ngủ lơ mơ, ngủ sâu, tỉnh táo.
- Chu kỳ giấc ngủ đi từ giai đoạn ngủ nông đến ngủ sâu và sau đó lại là ngủ nông (xem biểu đồ giấc ngủ của trẻ ở trang tiếp theo). Mỗi chu kỳ kéo dài khoảng hàng chục phút trong giai đoạn sơ sinh. Khi trẻ lớn lên, thời gian của chu kỳ dần dần kéo dài và khi trẻ ở độ tuổi 3 đến 6, mỗi chu kỳ kéo dài khoảng 90 phút như chu kỳ ngủ của người lớn.
- Trong giai đoạn ngủ nông, trẻ thở nhanh và ít đều hơn. Cơ thể và chân tay của trẻ có thể run nhẹ. Có thể quan sát thấy chuyển động của mắt bên dưới mí mắt (có thể ở trạng thái ngủ lơ mơ). Trẻ có thể dễ bị đánh thức bởi âm thanh hoặc ánh sáng xung quanh. Trong suốt giấc ngủ, trẻ có thể thức giấc trong thời gian ngắn vài lần là điều bình thường và có thể đoán trước. Quý vị có thể cho trẻ ngủ bằng cách vỗ về nhẹ nhàng hoặc nói chuyện nhỏ nhẹ với trẻ thay vì bế trẻ lên hoặc cho trẻ ăn.
- Trong giấc ngủ sâu, trẻ ít bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh. Hơi thở của trẻ trở nên đều đặn với rất ít cử động cơ thể.
Nếp Ngủ của Trẻ
Sau khi chào đời, trẻ tự thở và điều chỉnh, thích nghi với môi trường bên ngoài bụng mẹ - bao gồm nhiệt độ, ánh sáng/bóng tối, âm thanh cũng như sự chăm sóc của quý vị. Trẻ sơ sinh chưa hình thành bất kỳ nếp sinh hoạt ngày-đêm nào. Trẻ ăn khi thức và ngủ khi no. Nếp ngủ-thức lặp lại suốt cả ngày lẫn đêm mặc dù trẻ sơ sinh dành phần lớn thời gian để ngủ.
Sau khi chăm sóc trẻ một thời gian, quý vị có thể bắt đầu nắm bắt được các dấu hiệu mệt mỏi của trẻ. Hãy để trẻ ngủ khi buồn ngủ để tránh trẻ quá mệt mỏi và ngủ thiếp đi. Trẻ có thể cần quý vị xoa dịu để đi vào giấc ngủ. Trẻ dựa vào sự chăm sóc đáp ứng của quý vị để giúp trẻ điều chỉnh nhịp điệu ngày-đêm và điều chỉnh giấc ngủ cho phù hợp. Dựa vào sự chăm sóc đáp ứng của quý vị và khi trẻ lớn lên, nếp ngủ của trẻ sẽ thay đổi.
Khi trẻ được 3 đến 6 tháng tuổi (hình 1), trẻ có thể ngủ đêm dài hơn và thức giấc lâu hơn vào ban ngày. Đây là thời điểm trẻ bắt đầu có nhịp điệu ngày-đêm.
Trẻ vẫn cần ngủ trưa nhưng tần suất ngủ trưa giảm dần khi trẻ lớn lên. Trong khi đó, khả năng tự dỗ đi vào giấc ngủ* của trẻ đã phát triển nếu quý vị cho trẻ ngủ trong cũi khi trẻ buồn ngủ nhưng không ngủ. Trẻ có thể tự dỗ mình ngủ lại ngay cả khi trẻ thức dậy vào nửa đêm. Nhìn chung, khoảng 60-70% trẻ 8 tháng tuổi có thể tự dỗ mình đi vào giấc ngủ.
Thời gian ngủ
Thời gian ngủ sẽ thay đổi khi trẻ lớn lên:
Tuổi | Tổng thời gian ngủ trong 24 giờ* (bao gồm cả giấc ngủ ngày và đêm) |
---|---|
0-3 tháng tuổi | ~ 14-17 giờ |
4-11 tháng tuổi | ~ 12-16 giờ |
1-2 tuổi | ~ 11-14 giờ |
3-4 tuổi | ~ 10-13 giờ |
*Tài liệu tham khảo: Hướng dẫn của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (World Health Organization, WHO) về hoạt động thể chất, hành vi ít vận động và giấc ngủ cho trẻ dưới 5 tuổi. Geneva: Tổ Chức Y Tế Thế Giới; 2019. Giấy phép: CC BY-NC-SA 3.0 IGO.
Thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mỗi trẻ là một cá thể duy nhất và có thể có những điểm khác nhau riêng. Một số trẻ ngủ nhiều hơn trong khi một số trẻ khác ngủ ít hơn. Một số trẻ có giấc ngủ đêm dài hơn khi được 2 tháng tuổi nhưng một số trẻ cần nhiều thời gian hơn để hình thành nhịp độ riêng của mình. Các bậc phụ huynh cố gắng không so sánh con mình với những trẻ khác, miễn là trẻ vẫn khỏe mạnh và lớn lên.
Cách Giúp Trẻ Có Giấc Ngủ Ngon?
Tạo Không Gian Thoải Mái
- Nhiệt độ phòng thoải mái
- Thông khí, thông gió tốt
- Số lượng quần áo hoặc chăn đắp phù hợp. Quý vị có thể kiểm tra xem trẻ có bị quá nóng hoặc quá lạnh hay không bằng cách sờ gáy trẻ. Gáy trẻ ấm mà không bị đổ mồ hôi cho thấy nhiệt độ phù hợp.
- Dùng chăn sợi bông để tránh dị ứng
- Quấn trẻ sao cho tạo cảm giác thoải mái
Trẻ sẽ cảm thấy yên tâm hơn nếu được quý vị quấn trong một chiếc chăn mềm. Tránh quấn trẻ quá chặt khiến trẻ bị quá nóng hoặc hạn chế cử động của chân. Đảm bảo đầu và mặt trẻ lộ ra ngoài mà không cản trở đường thở.
Nếu hai chân của trẻ bị kéo và bọc quá chặt khi quấn thì các khớp hông có thể không phát triển bình thường.
Quý vị có thể xem thông tin chi tiết ở ‘Loạn Sản Khớp Háng Tiến Triển (Developmental Dysplasia of Hip, DDH)’
Vui lòng tham khảo phần ‘An Toàn Trong Khi Ngủ’ để biết những thông tin an toàn trong khi ngủ dành cho trẻ sơ sinh.
Chú Trọng Đến Điểm Khác Nhau Giữa Ngày Và Đêm
- Khác biệt về ánh sáng trong phòng
- Căn phòng cần được chiếu sáng đầy đủ vào ban ngày. Giảm độ sáng trước khi ngủ để cho trẻ biết đã đến giờ đi ngủ.
- Một số trẻ có thể thức dậy trong đêm và khóc vì phòng quá tối. Đèn ngủ có thể trấn an trẻ rằng trẻ đang ở môi trường quen thuộc.
- Khác biệt về hoạt động
- Khi trẻ còn thức vào ban ngày, hãy tích cực chơi đùa và trò chuyện với trẻ. Khi quý vị dành thời gian hoàn toàn tập trung cho trẻ nghĩa là quý vị đang dành cho trẻ sự quan tâm đúng mức cũng như giúp cho trẻ tỉnh táo và chú ý. Điều này sẽ khiến trẻ không ngủ quá nhiều vào ban ngày.
- Khi trẻ cảm thấy mệt mỏi như có biểu hiện mí mắt sụp xuống, dụi mặt vào quý vị hoặc ngáp, hãy để trẻ nghỉ ngơi.
- Tránh ngủ trưa quá 4 tiếng.
- Vào ban đêm, hãy thực hiện các hoạt động nhẹ nhàng, không ầm ĩ để tránh cho trẻ quá phấn khích trước khi đi ngủ.
An Toàn Trong Khi Ngủ
- Chúng ta quan tâm đến việc con mình có ngủ đủ hay không và quan trọng nhất là ngủ an toàn và giảm nguy cơ mắc Hội Chứng Đột Tử Ở Trẻ Sơ Sinh (Sudden Infant Death Syndrome, SID). Các nghiên cứu cho thấy nằm ngửa khi ngủ là tư thế ngủ đúng và an toàn nhất cho trẻ sơ sinh. Tư thế ngủ này tốt hơn nhiều so với tư thế nằm sấp hoặc nằm nghiêng khi ngủ, đồng thời giảm khả năng xảy ra SID.
- Để tìm hiểu thêm về SID và an toàn khi ngủ,
- Tham khảo tài liệu về chủ đề "Giấc Ngủ An Toàn Giấc Mơ Ngọt Ngào", là công trình chung của Bộ Y Tế, Đặc Khu Hành Chính Hồng Kông (Hong Kong Special Administrative Region, HKSAR) và Khoa Nhi, Đại Học Trung Văn Hương Cảng.
- Điền thông tin vào "Con Mới Sinh Của Quý Vị Có An Toàn Không?" và kiểm tra xem các biện pháp an toàn áp dụng cho con quý vị đã thỏa đáng hay chưa
- Xem video "An Toàn Khi Ở Nhà" để biết thêm thông tin về an toàn ở nhà và môi trường ngủ
Thiết Lập Thói Quen Đi Ngủ giúp gon quý vị Ngủ Đúng Giờ và Phát Triển Khả Năng Tự Dỗ Ngủ
- Bắt đầu thiết lập thói quen đi ngủ hợp lý sau khi trẻ đã nắm bắt được nhịp điệu ngày-đêm.
- 20 - 45 phút trước khi đi ngủ, tắt TV và các thiết bị màn hình khác. Sắp xếp các hoạt động thư giãn và tĩnh tâm trước khi đi ngủ. Ví dụ như tắm, kể chuyện, chơi đùa nhẹ nhàng, hát ru, nghe nhạc nhẹ, v.v. Những hoạt động này phải thu hút, thú vị nhưng không làm trẻ phấn khích. Sau khi hoàn thành các hoạt động trước khi đi ngủ thì sẽ đi ngủ.
- Các hoạt động được chọn phải tùy thuộc vào đặc điểm và thói quen của trẻ. Quan trọng nhất là trẻ phải được bú, vỗ cho hết trớ và mặc tã sạch.
- Đặt trẻ vào cũi khi trẻ buồn ngủ nhưng chưa ngủ. Để trẻ tự dỗ ngủ*. Để trẻ trong cũi sau khi nói lời chúc ngủ ngon
- Quý vị có thể dỗ dành trẻ ngủ khi trẻ không khỏe. Hãy để trẻ tự dỗ mình vào giấc ngủ khi sức khỏe thể chất của trẻ ổn định.
- Quý vị có thể tham khảo video "Xây dựng thói quen ngủ đúng giờ giấc" của chúng tôi (Video bằng phương ngữ Quảng Đông có phụ đề tiếng Anh) để biết thêm thông tin.
*Tự dỗ ngủ là khả năng trẻ có thể tự ngủ khi buồn ngủ mà không cần sự can thiệp của bố mẹ. Những thói quen khi ngủ phổ biến nhất là những thói quen có thể cản trở việc khám phá và phát triển khả năng tự dỗ ngủ của trẻ. Những thói quen xấu này bao gồm cho trẻ bú hoặc mút núm cao su để ngủ, đung đưa, vuốt ve hoặc đi lại để giúp trẻ dễ ngủ. Sau khi những nếp sinh hoạt này đã trở thành thói quen, trẻ sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào việc quý vị quan tâm và đồng hành cùng trẻ để trẻ đi vào giấc ngủ. Những thói quen ngủ này sẽ chiếm nhiều thời gian và năng lượng của quý vị một cách không cần thiết.
Nếu con tôi ngủ gật trong khi bú thì sao? Quý vị có thể ngừng cho trẻ bú và đưa trẻ đi ngủ mà không đánh thức trẻ. Lần sau quý vị có thể cho trẻ bú sớm hơn một chút để giảm khả năng trẻ ngủ gật trong khi bú.
Ngoài việc tạo cơ hội cho trẻ học hỏi thì sự quyết tâm và kiên định của quý vị sẽ giúp trẻ hình thành thói quen đi ngủ hợp lý. Sự thấu hiểu, hỗ trợ và hợp tác từ mọi người trong gia đình sẽ giúp quý vị đạt được mục tiêu. Nếu con quý vị khó ngủ, vui lòng tham khảo tài liệu Bài Hát Ru Con II-Con Tôi Không Chịu Ngủ trong sê-ri này.
Chúng tôi tổ chức một loạt hội thảo và phân phát tờ thông tin về chủ đề "Happy Parenting!” (Bố Mẹ Vui Vẻ, Con Trẻ Hạnh Phúc) cho những người sắp làm bố mẹ, đang làm bố mẹ của trẻ sơ sinh và trẻ mẫu giáo. Vui lòng liên hệ với nhân viên y tế của chúng tôi để biết thông tin.