Sê-ri Nuôi Dạy Con Cái 12 - Chuẩn Bị Tâm Lý Cho Con Đi Học Mẫu Giáo
Khi con quý vị được hai hoặc ba tuổi, quý vị có thể cân nhắc đăng ký cho trẻ đi học mẫu giáo. Ngoài việc chọn một trường mẫu giáo phù hợp, thì việc giúp trẻ thích nghi với môi trường mẫu giáo là điều quan trọng. Trước khi bắt đầu học mẫu giáo, quý vị có thể làm một số việc để tạo điều kiện cho trẻ thích ứng thuận lợi.
Hướng Dẫn Chọn Trường Mẫu Giáo?
Mục đích của giáo dục mầm non là cung cấp môi trường thúc đẩy sự phát triển cân bằng của trẻ về các khía cạnh xã hội, cảm xúc, nhận thức và thể chất, có lưu tâm đến nhu cầu học tập của từng trẻ. Trường mẫu giáo cung cấp môi trường thư giãn và thú vị, ở đó trẻ học cách tuân theo quy tắc, hòa đồng và truyền đạt ý tưởng và cảm xúc với những trẻ khác. Sự phát triển xã hội lành mạnh sẽ nâng cao các khía cạnh học tập khác ở trẻ em.
-
Trình Độ của Giáo Viên và Tỷ Lệ Bố Trí Nhân Viên
Các giáo viên mẫu giáo hoặc nhân viên chăm sóc trẻ em phải có bằng cấp được công nhận. Họ cần phải ấm áp và nhiệt tình đáp lại trẻ em. Chính phủ đã đặt ra các quy định về tỷ lệ giáo viên/nhân viên trên một trẻ em. Giáo viên/nhân viên sẽ dễ dàng chú ý đến nhu cầu cá nhân của từng trẻ nếu họ phụ trách ít trẻ hơn.
-
Chương Trình Dạy
Chương trình dạy nên hướng tới việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc học thông qua vui chơi và khám phá. Chương trình dạy phải đáp ứng các nhu cầu phát triển của trẻ em và đáp ứng các khả năng khác nhau của trẻ. Tập trung quá nhiều vào việc học tập là điều không cần thiết. Ví dụ: sẽ không phù hợp nếu bắt đầu dạy trẻ viết trước khi khả năng phát triển vận động tinh của trẻ sẵn sàng lúc trẻ khoảng 4 tuổi.
-
Môi Trường và Cơ Sở Vật Chất
Môi trường vật chất phải đảm bảo vệ sinh, đủ ánh sáng, thông thoáng và an toàn cho trẻ em, có nhiều không gian cho các hoạt động khác nhau. Môi trường này cần được trang bị đầy đủ các thiết bị hỗ trợ giảng dạy cần thiết để cung cấp môi trường học tập phong phú.
-
Vị Trí và Khoảng Cách từ Nhà
Đi học ở trường mẫu giáo gần nhà sẽ giúp trẻ đỡ mệt mỏi khi đi lại. Nếu cần thiết phải đi lại thì phải sắp xếp để giảm thiểu mức độ căng thẳng có thể xảy ra.
Trước khi đăng ký nhập học, quý vị có thể tìm hiểu thêm về trường mẫu giáo bằng cách đến thăm quan, quan sát những trẻ đang học ở đó, trao đổi với giáo viên và các phụ huynh khác.
Chuẩn Bị Cho Trẻ Bắt Đầu Đi Học Mẫu Giáo
Khi bắt đầu đi học mẫu giáo, trẻ mới biết đi có thể khó tách rời người chăm sóc quen thuộc của mình và đến một nơi có người lạ với những thói quen và hướng dẫn mới. Việc chuẩn bị tâm lý trước một vài tháng có thể giúp quá trình thích ứng của trẻ diễn ra suôn sẻ:
-
Khuyến Khích Kỹ Năng Tự Chăm Sóc Bản Thân Cơ Bản
Khuyến khích trẻ học kỹ năng tự chăm sóc bản thân cơ bản như tự mặc quần áo, đi vệ sinh hoặc thu dọn đồ. Điều này sẽ nâng cao tính độc lập và tự tin của trẻ trong môi trường mẫu giáo.
-
Thiết Lập Các Quy Tắc và Thói Quen Đơn Giản tại Nhà
Thiết lập các quy tắc đơn giản ở nhà: để trẻ học cách làm theo hướng dẫn và thay đổi các hoạt động theo yêu cầu.
-
Thúc Đẩy Các Hoạt Động Yêu Cầu Trẻ Yên Tĩnh và Ngồi Một Chỗ
Để trẻ làm quen với các hoạt động như nghe kể chuyện, vẽ hoặc nghệ thuật và làm đồ thủ công mà đòi hỏi trẻ phải ngồi một chỗ và chú ý trong một lúc.
-
Tạo Cơ Hội Hòa Nhập với Những Trẻ Khác
Đưa trẻ đến sân chơi, công viên, tiệc sinh nhật hoặc đến thăm hàng xóm. Hãy để trẻ hòa mình với những trẻ khác, học cách chia sẻ và chơi lần lượt.
-
Vượt Qua Hội Chứng Lo Lắng Vì Xa Cách
Trẻ có thể cảm thấy lo lắng khi tách khỏi bố mẹ hoặc người chăm sóc chính của mình. Để giúp trẻ vượt qua nỗi lo vì xa cách khi bắt đầu đi học mẫu giáo, hãy tập tách biệt với trẻ trước:
- Tìm một người trông trẻ mà con quý vị thích. Trong khi trẻ tham gia một hoạt động thú vị cùng với người trông trẻ, hãy nói với trẻ rằng quý vị sẽ đi ra ngoài một lúc, quý vị sẽ đi đâu và khi nào quý vị sẽ quay lại. Sau đó chào tạm biệt trẻ. Vì trẻ chưa hình thành khái niệm thời gian chính xác nên quý vị có thể liên kết thời gian với các hoạt động hoặc thói quen cụ thể để giúp trẻ hiểu, chẳng hạn như "Mẹ sẽ quay lại sau khi con ăn tối". Hãy giữ lời hứa và trở lại đúng giờ. Ban đầu, chỉ rời xa trẻ trong vài phút. Sau đó, quý vị kéo dài dần thời gian xa cách. Để tăng cảm giác an toàn cho trẻ, quý vị có thể để lại đồ đạc của mình cho trẻ như áo khoác và nhờ trẻ giữ hộ cho đến khi quý vị về.
- Khi tương tác với trẻ, tránh sử dụng những từ ngữ đe dọa sẽ khơi dậy nỗi lo lắng về việc bị bỏ rơi (ví dụ: "Bố/Mẹ không cần con nữa:" hoặc "Ra khỏi nhà đi")hoặc những từ ngữ sẽ khiến trẻ liên tưởng trường học với cảm giác khó chịu (ví dụ: "Bố/Mẹ sẽ nói với cô giáo để phạt con").
-
Cho Trẻ Tiếp Xúc với Cuộc Sống Học Đường Thú Vị
- Cùng trẻ đến thăm nhà trẻ hoặc trường mẫu giáo trong khu phố. Quý vị có thể đưa trẻ nhỏ đi cùng khi đưa trẻ lớn đi học. Đọc sách hoặc kể cho trẻ nghe những câu chuyện thú vị về cuộc sống học đường cũng có thể khơi dậy sự quan tâm của trẻ.
- Trước khi bắt đầu đi học, hãy cho trẻ làm quen với con đường đến trường. Chơi trò đi học với trẻ. Để trẻ mặc đồng phục học sinh và giả vờ xách cặp mới đi học.
- Tham dự chương trình định hướng là một cơ hội tốt để trẻ làm quen với môi trường của trường học. Trẻ có thể gặp giáo viên và thử sử dụng các cơ sở vật chất của trường. Điều này sẽ giúp trẻ bớt lo lắng trong môi trường mới và tạo cho trẻ ấn tượng tốt về trường học.
- Quý vị hãy cố gắng dành chút thời gian làm việc để cùng trẻ đi đến trường trong thời gian đầu. Một số trường mẫu giáo khuyến khích phụ huynh ở lại với con em mình trong lớp trong thời gian định hướng (kéo dài vài ngày hoặc vài tuần). Thời gian sẽ được rút ngắn dần để trẻ làm quen với cuộc sống học đường mới và cho phép trẻ thích nghi với việc tách khỏi bố mẹ.
Hãy chuẩn bị tinh thần sẵn sàng xử lý những vấn đề nhỏ ở trường bất chấp những việc quý vị đã làm. Thông thường trẻ sẽ khóc, di chuyển ra khỏi chỗ ngồi, giật đồ chơi, bồn chồn hoặc tạm thời lặp lại những hành vi trẻ đã cai được (ví dụ như đái dầm hoặc đeo bám như hồi nhỏ). Giữ liên lạc thường xuyên với giáo viên để nắm được sự điều chỉnh của trẻ ở trường và thiết lập quan hệ hợp tác với nhà trường để đáp ứng các nhu cầu của trẻ sẽ giúp con quý vị có một cuộc sống vui vẻ ở trường.
Chúng tôi tổ chức một loạt hội thảo và phân phát tờ thông tin về chủ đề "Happy Parenting" (Bố Mẹ Vui Vẻ, Con Trẻ Hạnh Phúc) cho những người sắp làm bố mẹ, đang làm bố mẹ của trẻ sơ sinh và trẻ mẫu giáo. Vui lòng liên hệ với nhân viên y tế của chúng tôi để biết thông tin.