Giúp con hình thành thói quen ăn uống hợp lý
Ngoài việc chuẩn bị và phục vụ món ăn, dưới đây là những lời khuyên để các bậc cha mẹ có thể giúp con ăn tốt và hình thành hành vi ăn uống lành mạnh.
Làm gương trong việc ăn tốt
Trẻ mẫu giáo rất thích bắt chước người khác. Có nhiều khả năng trẻ sẽ thích những món ăn giống quý vị và bắt chước lối sống của quý vị, ví dụ như mức độ hoạt động thể chất. Hãy cố dùng bữa cùng trẻ bất cứ khi nào có thể. Cho trẻ thấy quý vị thích ăn trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt cả trong bữa ăn và giờ ăn nhẹ. Cùng trẻ thử những thực phẩm mới.
Để con ăn cùng các thành viên còn lại trong gia đình
Bữa ăn gia đình cho phép trẻ tập trung ăn và tạo cho quý vị cơ hội thể hiện hành vi ăn uống hợp lý. Hãy cố gắng tổ chức các bữa ăn gia đình thường xuyên nhất có thể.
Cho con ăn nhiều loại thực phẩm
Cho ăn nhiều loại thực phẩm giúp trẻ mẫu giáo nhận được các dưỡng chất cần thiết từ mỗi nhóm thực phẩm. Trẻ cũng sẽ có nhiều khả năng sẽ thử thực phẩm mới hơn và tiếp nhận nhiều loại thực phẩm như một hành vi ăn uống hợp lý.
Cho trẻ ăn thực phẩm thuộc ít nhất 3-4 nhóm thực phẩm trong một bữa ăn chính. Chọn các thực phẩm giàu dinh dưỡng để ăn nhẹ, ví dụ như trái cây, phô-mai hoặc các sản phẩm sữa, bánh mì nguyên cám, để mở rộng phạm vi thực phẩm lành mạnh được tiêu thụ.
Cho con ăn chính và ăn nhẹ vào thời gian đều đặn
Cho trẻ ăn 3 bữa chính và 2 hoặc 3 bữa nhẹ mỗi ngày. Bố trí sao cho các bữa ăn chính và bữa ăn nhẹ cách nhau ít nhất 1,5 giờ để trẻ không bị mất khẩu vị cho bữa ăn chính. Đặt giới hạn thời gian hợp lý, ví dụ: 30 phút cho một bữa ăn. Khi trẻ không còn hứng thú với bữa ăn, có thể là trẻ đã no. Cố tránh cho trẻ uống thêm sữa hoặc ăn thêm đồ ăn nhẹ mà trẻ thích sau bữa ăn chính. Điều này sẽ khuyến khích trẻ bỏ bữa chính và chờ đồ ăn nhẹ. Hãy linh hoạt với lịch cho trẻ ăn bữa nhẹ, nếu trẻ kêu đói thì có thể cho trẻ ăn đồ ăn nhẹ lành mạnh sớm hơn.
Để con quyết định ăn bao nhiêu
Cho con ăn phần thực phẩm nhỏ và có thể kiểm soát được. Cho trẻ biết trẻ có thể ăn thêm nếu vẫn đói. Đừng khăng khăng bắt trẻ phải ăn hết đồ ăn. Hãy để trẻ tìm hiểu và đáp ứng cơn đói cho đến khi thỏa mãn. Cho phép trẻ quyết định ăn bao nhiêu. Điều này sẽ tránh để trẻ ăn quá nhiều và sau thời gian dài sẽ bị béo phì. Nhờ đó mà giờ ăn gia đình sẽ vui vẻ hơn và không căng thẳng.
Không từ bỏ việc thử những thực phẩm mới
Không phải lúc nào trẻ em cũng chấp nhận những thực phẩm và rau củ mới ngay lập tức. Đôi khi cần thử hơn 10 lần thì trẻ mới sẵn sàng thử thực phẩm mới.
Hãy là tấm gương tốt cho con noi theo. Trẻ sẽ sẵn sàng thử hơn nếu quý vị ăn thức ăn giống trẻ.
Một số trẻ có thể sẵn sàng chấp nhận hơn khi thực phẩm mới kết hợp với những món ăn quen thuộc, còn một số trẻ không như vậy. Hãy thử nhiều cách khác nhau để trình bày món ăn, ví dụ: cho trẻ ăn thực phẩm mới riêng và đựng các món trong đĩa riêng.
Thưởng cho con bằng sự chú ý của quý vị chứ KHÔNG phải đồ ăn
Thưởng cho con bằng cách ôm, hôn, khen ngợi, chơi với con, đọc truyện cho con hoặc hoạt động thể chất ngoài trời cùng con.
Thưởng đồ ăn cho trẻ sẽ khiến trẻ muốn có thêm đồ ăn. Nếu chúng ta sử dụng kẹo hoặc khoai tây chiên làm phần thưởng, trẻ sẽ thích những loại đồ ăn đó hơn nữa. Nếu chúng ta nói với trẻ: “trước tiên hãy ăn hết rau đi đã và con sẽ được ăn kẹo”, trẻ sẽ càng thích ăn kẹo và ghét ăn rau.
Tránh sử dụng đồ ăn để an ủi khi con buồn. Điều đó dạy trẻ biết sẽ được an ủi bằng đồ ăn. Thay vào đó, hãy dỗ dành trẻ bằng cách ôm, hôn hoặc trò chuyện với trẻ.
Tạo dựng môi trường ăn uống tích cực
Giờ ăn là cơ hội để chúng ta trân trọng đồ ăn và việc ăn uống. Bé lớn có thể giúp những công việc đơn giản liên quan đến đồ ăn như dọn bàn, rửa trái cây hoặc rau củ. Điều đó giúp vun đắp cảm giác về lòng tự trọng và thành tựu ở trẻ.
Tạo dựng môi trường dễ chịu bằng cách ngồi xuống ăn cùng trẻ. Loại bỏ mọi yếu tố gây mất tập trung, như đồ chơi và các thiết bị điện tử. Nên tắt vô tuyến trong suốt bữa ăn.
Cũng nên nêu gương tốt cho con về hoạt động thể chất để giữ sức khỏe. Thu hút cả gia đình tham gia vào giờ chơi cùng con. Đi bộ, chạy và chơi với con cái tốt hơn là xem vô tuyến.