Thông tin cho các bậc cha mẹ: Vitamin D
(Phát hành tháng 07/2016)
Vitamin D là khoáng chất thiết yếu cho sức khỏe xương. Vitamin D giúp hấp thu canxi trong ruột và duy trì mức canxi, phốt-pho bình thường trong máu, giữ cho xương chắc khỏe. Hầu hết vitamin D trong cơ thể chúng ta được tạo ra khi da tiếp xúc với ánh nắng. Chỉ có một lượng nhỏ vitamin D bắt nguồn từ thực phẩm.
Tác động do thiếu hụt vitamin D
- Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nếu duy trì mức vitamin D thấp trong thời gian dài có thể gây ra tình trạng còi cọc, dẫn đến xương bị mềm, bị biến dạng, gãy xương, tăng trưởng kém và mức canxi trong máu thấp có thể dẫn đến co giật.
- Nếu phụ nữ mang thai không hấp thụ đủ vitamin D, con của họ có thể có mức canxi trong máu thấp ngay sau khi sinh hoặc có nguy cơ cao hơn sẽ bị còi cọc khi nhỏ.
- Ở người lớn, thiếu hụt vitamin D có thể dẫn đến chứng nhuyễn xương (xương bị mềm) và loãng xương (xương giòn), do đó nguy cơ gãy xương sẽ cao hơn. Mức vitamin D thấp cũng liên quan đến ung thư, bệnh đái tháo đường và nhiễm trùng.
Tiếp Xúc với Ánh Nắng và vitamin D
- Vitamin D hình thành khi da tiếp xúc với ánh nắng. Quý vị sẽ không nhận được vitamin D khi tiếp xúc với ánh nắng qua kính cửa sổ vì kính cửa sổ chặn các tia cực tím B (ultraviolet B, UVB) trong ánh nắng, là yếu tố cần thiết để tạo vitamin D. Kem chống nắng và thuốc nhuộm da cũng giảm sự hình thành vitamin D vì ngăn tia UVB tiếp xúc với da.
- Lượng vitamin D chúng ta nhận được khi tiếp xúc với ánh nắng phụ thuộc vào thời gian và mức độ tiếp xúc, màu da, mùa, thời tiết và thời điểm trong ngày. Để nhận được nhiều vitamin D hơn, tốt nhất là tiếp xúc với diện tích lớn (ví dụ: cánh tay và bắp chân) trong một thời gian ngắn hơn là diện tích nhỏ (ví dụ: mặt và bàn tay) trong thời gian dài.
- Đối với hầu hết mọi người, 5 đến 15 phút tiếp xúc thông thường với ánh nắng ở bàn tay, mặt và cánh tay trong hai đến ba lần mỗi tuần vào những tháng mùa hè là đủ để đảm bảo mức vitamin D cao. Những người có da sẫm màu cần thời gian tiếp xúc với ánh nắng lâu hơn.
- Nói chung, ánh nắng sẽ bớt gay gắt hơn vào mùa đông. Do đó vào mùa này có thể cần tiếp xúc với ánh nắng lâu hơn để nhận được mức vitamin D tương đương.
Các nguồn thực phẩm chứa vitamin D
- Chỉ có một vài thực phẩm chứa vitamin D trong tự nhiên, như các loài cá nhiều dầu (ví dụ: cá hồi, cá mòi, cá ngừ), lòng đỏ trứng và gan.
- Một số thực phẩm, như sữa bò và các sản phẩm sữa, sữa đậu nành, nước ép trái cây, ngũ cốc ăn sáng có bổ sung vitamin D. Xem nhãn thực phẩm để biết sản phẩm có được làm giàu vitamin D hay không.
- Tiêu thụ những thực phẩm này sẽ giúp quý vị hấp thụ vitamin D nhưng sẽ khó nhận đủ vitamin D chỉ từ thực phẩm.
Nhận vitamin D do tiếp xúc với ánh nắng thông thường
- Duy trì hoạt động thể chất ngoài trời thường lệ. Cho cánh tay, bàn tay và mặt tiếp xúc với ánh nắng trong một thời gian ngắn hàng ngày trong các hoạt động hoặc khi tập thể dục ngoài trời sẽ giúp cơ thể sản sinh vitamin D.
- Các bậc cha mẹ nên đưa con sơ sinh và con nhỏ ra ngoài trong một khoảng thời gian ngắn mỗi ngày, cho đầu, cánh tay và chân của trẻ tiếp xúc với ánh nắng.
Vitamin D và trẻ sơ sinh
- Các em bé vẫn còn một lượng nhỏ vitamin D nhận từ mẹ trước khi sinh. Sau khi chào đời, các bé cần nhận vitamin D từ ánh nắng, sữa mẹ (hoặc sữa công thức nếu bé không bú sữa mẹ) và từ thực phẩm.
- Sữa mẹ cũng cấp nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho các em bé. Tuy nhiên, các em bé không nhận đủ vitamin D từ sữa mẹ, đặc biệt nếu người mẹ có mức vitamin D thấp. Một số quốc gia, như Vương Quốc Anh (United Kingdom, UK) và Hoa Kỳ (United States, US) khuyến nghị nên cho các bé bú sữa mẹ uống bổ sung vitamin D.
- Các bé uống sữa công thức thường không cần bổ sung vì trong sữa công thức đã bổ sung vitamin D.
Những người có nguy cơ không nhận đủ vitamin D
- Các bé sinh non;
- Con của các bà mẹ thiếu hụt vitamin D hoặc không tiếp xúc với ánh nắng, đặc biệt nếu bé bú mẹ hoàn toàn;
- Các bé bú mẹ hoàn toàn ít tiếp xúc với ánh nắng;
- Các em bé và những người có da sẫm màu;
- Những người dành hầu hết thời gian ở trong nhà;
- Những người mặc quần áo che toàn thân;
- Những người mắc bệnh thận, bệnh gan và các bệnh mạn tính khác.
Nếu quý vị có quan ngại, vui lòng tư vấn ý kiến bác sĩ để đánh giá nhu cầu bổ sung vitamin D.