Hướng Dẫn Cách Cho Trẻ Bú Bình
Những điều cần cân nhắc khi cho trẻ uống sữa công thức
Nếu vì một lý do nào đó, các bố mẹ không thể cho trẻ bú hoặc quyết định không cho trẻ bú sữa mẹ, bố mẹ chỉ có thể cho trẻ uống sữa công thức trong vài tháng đầu đời.
Cha mẹ cần hiểu rằng một khi trẻ được nuôi bằng sữa công thức, ngực của mẹ sẽ tiết ra ít sữa hơn. Ý định cho trẻ bú sữa mẹ cũng có thể giảm đi.
Sữa công thức cho trẻ sơ sinh rất tốn kém. Cha mẹ có thể phải chi một khoản tiền đáng kể để mua sữa công thức cho trẻ sơ sinh trong năm đầu đời (ví dụ, một hộp sữa công thức 900 gram có giá 250 USD và một trẻ tiêu thụ 3 đến 4 hộp mỗi tháng. Điều đó sẽ khiến bố mẹ mất 9.000 đến 12.000 USD trong năm đầu tiên).
Sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh có hai dạng: sữa công thức dạng lỏng pha sẵn tiệt trùng và sữa công thức dạng bột dành cho trẻ sơ sinh. Sữa công thức dạng bột dành cho trẻ sơ sinh không phải là sản phẩm tiệt trùng. Pha sữa công thức an toàn và sử dụng dụng cụ cho trẻ ăn tiệt trùng đúng cách là điều cần thiết để bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ bị nhiễm trùng.
Sữa mẹ còn hơn cả thực phẩm tự nhiên dành cho trẻ...
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng lý tưởng dành cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Sữa mẹ cũng chứa các kháng thể và các tế bào miễn dịch sống từ người mẹ, enzyme và các chất có giá trị khác mà không thể có được từ sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh. Những thành phần này giúp tăng cường khả năng miễn dịch cho trẻ và giảm nguy cơ phải nhập viện vì nhiễm trùng ở ngực hoặc tiêu chảy. Sữa mẹ cũng giúp tiêu hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng.
Cho trẻ bú sữa mẹ rất thuận tiện, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm tiền và thân thiện với môi trường. Điều này còn giúp tăng cường mối liên kết giữa mẹ và trẻ, và làm cho trẻ cảm thấy an toàn. Cho trẻ bú sữa mẹ cũng có lợi. Các mẹ cho con bú ít có nguy cơ mắc bệnh thiếu máu và chảy máu nặng sau khi sinh. Cho trẻ bú sữa mẹ đốt cháy calo và giúp tử cung trở lại kích thước bình thường, vì vậy những mẹ cho con bú sẽ trở lại vóc dáng nhanh chóng hơn. Nuôi con bằng sữa mẹ cũng bảo vệ các bà mẹ tránh khỏi ung thư buồng trứng và ung thư vú.
Nội dung
- Sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh là gì?
- Cách chọn sữa công thức phù hợp cho trẻ sơ sinh?
- Cần có những dụng cụ nào để cho trẻ bú bình?
- Cách chọn bình và núm vú?
- Cách làm sạch, khử trùng và bảo quản dụng cụ cho ăn?
- Cách pha sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh an toàn?
- Cách bảo quản sữa công thức đã pha cho trẻ sơ sinh?
- Cách hâm sữa công thức?
- Khi nào nên cho trẻ bú sữa?
- Cách cho trẻ bú sữa?
- Cách vỗ cho trẻ ợ hơi?
- Tôi nên làm gì nếu trẻ phì ra sau khi bú sữa?
- Trẻ cần bao nhiêu lượng sữa trong một ngày?
- Liệu trẻ có đang bú đủ sữa?
Sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh là gì?
- Hầu hết các loại sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh được làm từ sữa bò đã được xử lý để làm cho phù hợp với trẻ sơ sinh. Ngoài ra còn có các loại sữa công thức cho trẻ sơ sinh được làm từ sữa dê hoặc protein đậu nành.
- Các thành phần dinh dưỡng của sữa công thức cho trẻ sơ sinh phải đáp ứng các tiêu chuẩn của Ủy Ban Tiêu Chuẩn Thực Phẩm Quốc Tế (Ủy Ban Codex) và đáp ứng các yêu cầu dinh dưỡng của trẻ sơ sinh trong những tháng đầu đời cho đến khi đưa vào chế độ ăn bổ sung phù hợp.1
Cách chọn sữa công thức phù hợp cho trẻ sơ sinh?
- Các loại sữa công thức cho trẻ sơ sinh từ sữa bò, thường được gọi là “Sữa công thức Giai đoạn 1”, phù hợp cho các bé khỏe mạnh từ khi mới sinh ra.
- Có thể sử dụng sữa công thức cho trẻ sơ sinh làm từ đậu nành khi trẻ bị galactoza-huyết hoặc khi trẻ không thể được uống sữa công thức làm từ sữa bò vì lý do liên quan đến văn hóa hoặc tôn giáo.
- Thành phần dinh dưỡng của các loại sữa công thức cho trẻ sơ sinh là tương tự nhau. Quý vị có thể đưa ra quyết định theo nguồn cung ứng trên thị trường hoặc lựa chọn cá nhân. Nếu cần, quý vị có thể xin tư vấn từ bác sĩ hoặc y tá. Nói chung, việc chuyển sang dùng một nhãn hiệu sữa khác sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
- Những trẻ sinh non và trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch yếu sẽ dễ bị nhiễm vi khuẩn hơn. Nếu có thể, quý vị nên chọn sữa công thức cho trẻ sơ sinh dạng lỏng pha sẵn.2
Trừ khi có tư vấn của bác sĩ, trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi chỉ nên được dùng sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh.
Sau 6 tháng tuổi, trẻ có thể tiếp tục uống sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh. Sau 12 tháng tuổi, trẻ có thể bắt đầu uống sữa bò với đầy đủ hàm lượng chất béo.
1Thành phần dinh dưỡng của sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh được bán ở Hồng Kông theo quy định của pháp luật. Sản phẩm cung cấp nhãn dinh dưỡng cho thấy các thành phần năng lượng và dinh dưỡng. Truy cập trang web của Trung Tâm An Toàn Thực Phẩm để biết chi tiết.
2Trung Tâm An Toàn Thực Phẩm, Phòng Vệ Sinh Môi Trường và Thực Phẩm. Trọng Tâm An Toàn Thực Phẩm (Số 28 phát hành tháng 11 năm 2008).
Hỏi: Có loại sữa công thức nào dành cho trẻ sơ sinh làm giảm nguy cơ dị ứng ở trẻ không?
- Cho trẻ bú sữa mẹ là cách tốt nhất để bảo vệ trẻ khỏi bị dị ứng.
- Không có sản phẩm sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh nào được chứng minh là có tác dụng đáng kể trong việc ngăn ngừa trẻ sơ sinh khỏe mạnh mắc dị ứng. Nếu có một thành viên trong gia đình bị dị ứng, tốt nhất nên cho trẻ bú sữa mẹ. Hãy xin tư vấn từ bác sĩ của quý vị nếu quý vị cân nhắc việc cho trẻ uống sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh.
Hỏi: Có những lựa chọn nào về sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh bị dị ứng sữa bò?
- Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu quý vị lo lắng trẻ bị dị ứng với sữa bò. Đối với những trẻ sơ sinh được chẩn đoán bị dị ứng với protein trong sữa bò, các bác sĩ có thể kê toa loại sữa công thức đặc biệt3, chẳng hạn như sữa công thức thủy phân rộng rãi và sữa công thức chứa axit amin. Điều quan trọng là phải làm theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Các loại sưa công thức làm từ đậu nành hoặc sữa dê không phù hợp với trẻ sơ sinh bị dị ứng sữa bò vì những trẻ này cũng có thể bị dị ứng với sữa đậu nành hoặc sữa dê.
3”Sữa công thức đặc biệt” nghĩa là loại sữa công thức liên quan đến các mục đích y tế đặc biệt cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Hỏi: Con tôi đi đại tiện phân cứng. Điều này có liên quan đến sữa công thức không?
- Nói chung, việc trẻ bị táo bón trong sáu tháng đầu đời là điều không thường gặp. Tuy nhiên, táo bón có thể xảy ra tạm thời khi trẻ chuyển từ bú sữa mẹ sang uống sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh hoặc đổi sang một nhãn hiệu sữa công thức mới. Bên cạnh đó, trẻ có thể bị táo bón nếu sữa công thức không được pha đúng cách và thêm ít nước. Kiểm tra các hướng dẫn trên bao bì sữa công thức. Hãy đảm bảo rằng lượng nước và sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh được đong lượng chính xác để tạo thành hỗn hợp sữa. Luôn cho nước vào bình sữa trước và sau đó mới cho sữa công thức vào. Nếu cần, quý vị có thể cho trẻ uống một lượng nước nhỏ giữa các bữa sữa.
Hỏi: Tôi có thể giúp con mình chuyển sang một nhãn hiệu sữa công thức khác dành cho trẻ sơ sinh bằng cách nào?
- Không có quy tắc cụ thể về cách chuyển đổi nhãn hiệu sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh. Nếu trẻ chấp nhận hương vị mới khá dễ dàng, bố mẹ có thể chỉ cần chuyển sang nhãn hiệu sữa mới trong một lần. Ngoài ra, quý vị có thể tăng từ từ lượng sữa của nhãn hiệu mới.
- Tỷ lệ sữa bột và nước khác nhau với các nhãn hiệu sữa khác nhau. Quý vị không nên trộn hai hoặc nhiều nhãn hiệu sữa bột khi pha chế trong một lần.
- Khi chuyển sang một nhãn hiệu sữa công thức khác, quý vị có thể nhận thấy sự thay đổi trong phân của trẻ. Điều này thường là do có khác biệt nhỏ trong thành phần của các nhãn hiệu sữa khác nhau và không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
<Sữa công thức số 2 >không phù hợp cho trẻ dưới 6 tháng tuổi
Sữa công thức số 2 (“Giai đoạn 2”, hay “Sữa công thức Giai đoạn 3”) chứa nhiều protein hơn. Protein dư thừa có thể làm quá tải thận chưa phát triển đầy đủ của trẻ sơ sinh và có thể dẫn đến mất nước, tiêu chảy hoặc tổn thương não.
Những loại sữa nên tránh cho trẻ dưới một tuổi uống:
- Sữa dê
- Sữa đậu nành
- Sữa cô đặc
- Sữa đặc
- Sữa nguyên kem hoặc sữa ít béo
Cần có những dụng cụ nào để cho trẻ bú bình?
- Thiết bị khử trùng (như nồi lớn, máy tiệt trùng bằng điện hoặc lò vi sóng)
- Bình sữa và núm vú có kích thước và chất liệu phù hợp
- Cọ rửa bình sữa và chải cọ núm vú
- Kẹp lấy bình sữa và núm vú sau khi tiệt trùng
Cách chọn bình và núm vú?
Chọn bình
- Sử dụng bình thủy tinh hoặc bình nhựa không chứa bisphenol A (BPA).
- Màu sắc của các họa tiết trang trí và vạch chỉ trên các bình không được tróc ra dễ dàng và phải có đặc tính vô hại.
- Các bình sữa phải trong suốt dễ đọc đánh vạch chia lượng ở trên bình. Có thể dễ dàng nhìn thấy phần bên trong của bình.
- Các bình cần được thiết kế để dễ dàng làm sạch.
- Các bình phải có kích thước phù hợp.
Chọn núm vú
- Kích cỡ núm vú phải phù hợp với độ tuổi của trẻ.
- Hình dạng và chất liệu của núm vú thường không khiến việc cho ăn có điểm khác nhau. Núm vú cao su mềm và dẻo. Núm vú silicon có độ bền cao hơn và có thể giữ hình dạng lâu hơn.
- Lỗ trên núm vú phải có kích cỡ phù hợp để sữa sẽ nhỏ giọt với tốc độ khoảng một giọt mỗi giây khi nghiêng bình. Nếu lỗ quá nhỏ, trẻ có thể mệt mỏi khi bú. Nếu lỗ quá to, trẻ có thể bị sặc sữa vì sữa ra quá nhanh.
- Sử dụng bình và núm vú theo tiêu chuẩn an toàn (như tiêu chuẩn Châu Âu EN 14350). Kiểm tra để đảm bảo các bình không có bisphenol A (BPA).
- Thay bình mới khi vạch chia bị mờ.
- Vứt bỏ bình và núm vú bị vỡ hoặc hỏng.
Cách làm sạch, khử trùng và bảo quản dụng cụ cho ăn?
Tất cả các dụng cụ cho trẻ ăn sữa mẹ hoặc sữa công thức phải được rửa kỹ và tiệt trùng. Các dụng cụ bao gồm bình sữa, núm vú, nắp bình, vòng chặn và các phụ kiện khác như kẹp và dao.
- Cách làm sạch dụng cụ cho trẻ uống sữa
- Trước khi làm sạch dụng cụ cho trẻ uống sữa, rửa tay bằng xà phòng và nước. Làm sạch bề mặt xử lý bằng nước xà phòng nóng.
- Rửa bình sữa, núm vú và kẹp bằng nước xà phòng ấm ngay sau khi cho trẻ uống sữa bằng cọ rửa bình sạch. Đảm bảo rằng không còn sót lại sữa bên trong bình. Sau đó rửa kỹ dụng cụ dưới dòng nước chảy.
Vi khuẩn dễ dàng phát triển tại các vết nứt. Kiểm tra cẩn thận khi rửa bình và núm vú. Vứt bỏ những dụng cụ bị hư hỏng.
- Tiệt trùng dụng cụ cho trẻ uống sữa
Quý vị có thể chọn một trong các phương pháp sau đây để tiệt trùng dụng cụ cho trẻ uống sữa:
- Tiệt trùng bằng cách luộc dụng cụ
- Đảm bảo đun sôi các dụng cụ.
- Đặt dụng cụ đã được làm sạch vào một cái nồi lớn. Nhúng chìm các dụng cụ vào nước và đảm bảo không có bọt khí.
- Đặt nắp nồi. Đun sôi dụng cụ trong 10 phút. Sau đó tắt lửa và để nước nguội.
- Đậy kín nắp nồi cho đến khi cần dùng đến dụng cụ cho trẻ uống sữa.*
- Tiệt trùng bằng hơi nước bằng máy tiệt trùng điện hoặc lò vi sóng
- Thực hiện cẩn thận theo các hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Đảm bảo các lỗ của bình và núm vú úp xuống trong máy tiệt trùng.
- Chỉ lấy dụng cụ cho trẻ uống sữa ra khi quý vị chuẩn bị pha sữa.
- Nếu mở máy tiệt trùng ra, cần phải tiệt trùng lại các dụng cụ bên trong máy tiệt trùng.*
- Sử dụng dung dịch tiệt trùng hóa chất
- Thực hiện theo hướng dẫn tiệt trùng của nhà sản xuất và thay đổi dung dịch tiệt trùng. Đối với hầu hết các sản phẩm, thay đổi dung dịch tiệt trùng sau 24 tiếng một lần.
- Nhúng dụng cụ vào dung dịch tiệt trùng. Hãy chắc chắn rằng không có bọt khí nổi lên bên trong bình và núm vú. Đặt một tấm che nổi phía trên dụng cụ để giữ tất cả các dụng cụ trong dung dịch tiệt trùng.
- Để tất cả các dụng cụ nhúng trong dung dịch khử trùng trong ít nhất 30 phút.
*Nếu lấy dụng cụ ra khỏi máy tiệt trùng trước khi cần dùng, vui lòng tham khảo ‘Bảo quản dụng cụ cho ăn đã tiệt trùng’
- Tiệt trùng bằng cách luộc dụng cụ
- Bảo quản dụng cụ cho ăn đã tiệt trùng
- Để ngăn ngừa tái nhiễm bẩn, tốt nhất là lấy dụng cụ ra ngay trước khi cần dùng.
- Trước khi lấy dụng cụ ra khỏi máy tiệt trùng, rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước, sau đó lau khô bằng khăn sạch. (Vui lòng tham khảo tờ tài liệu “Vệ Sinh Tay --- cách thức dễ dàng và hiệu quả để ngăn ngừa nhiễm trùng”.)
- Nếu không sử dụng ngay lập tức các bình sữa đã tiệt trùng và các dụng cụ khác, hãy lấy chúng ra bằng kẹp tiệt trùng và đặt các núm vú và nắp vào lại bình. Bảo quản mọi dụng cụ trong hộp đựng được làm sạch và đậy nắp.
Cách pha sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh an toàn?
Thực hiện theo các bước sau:
- Đun sôi nước
Đun sôi nước máy hoặc nước cất. Nếu sử dụng ấm đun nước điện, quý vị nên đun sôi nước cho đến khi nguồn điện của ấm tắt.
- Làm sạch bề mặt để pha sữa và rửa tay
Làm sạch và khử trùng bề mặt mà quý vị sẽ dùng để pha sữa. Rửa tay bằng xà phòng và nước, và lau khô bằng khăn sạch hoặc khăn giấy.
- Lấy bình sữa đã tiệt trùng ra
Lấy bình đã tiệt trùng ra và lắc sạch nước trong bình và núm vú. Nếu lấy bình ra khỏi dung dịch tiệt trùng, lắc mạnh cho dung dịch dư ra hết và rửa lại bằng nước đun sôi bằng ấm.
Nước đóng chai
- Nước khoáng chứa hàm lượng muối cao. Không nên sử dụng để pha sữa cho trẻ.
- Nếu sử dụng nước cất đóng chai, hãy đun sôi trước khi pha với sữa công thức cho trẻ.
Đọc hướng dẫn trên bao bì của sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh. Đo chính xác lượng nước và sữa bột.
Sử dụng nước không dưới 70°C để pha sữa công thức. Pha một bình sữa công thức mới mỗi khi trẻ cần bú. Những hành động này sẽ giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng ở trẻ.
- Đổ vào bình sữa lượng nước nóng chính xác
Đổ lượng nước nóng chính xác vào bình sữa đã tiệt trùng. Nước không được mát hơn 70ºC. Thông thường, nước sẽ duy trì ở nhiệt độ 70ºC hoặc cao hơn trong vòng 30 phút sau khi đun sôi.
- Thêm chính xác lượng sữa bột công thức
Đo lượng sữa bột công thức bằng thìa được cung cấp trong gói hoặc hộp sữa. Xúc đầy thìa sữa bột công thức, không nén chặt. Sau đó dùng mép lưỡi dao gạt bằng thìa sữa.
Đo một thìa sữa bột công thức đã gạt bằng mỗi lần. Thêm lượng sữa bột công thức chính xác vào bình đã đổ nước theo hướng dẫn trên bao bì.
Thông tin chính
Pha sữa công thức cho trẻ sơ sinh bằng nước nóng có nhiệt độ không dưới 70ºC. Điều này giết chết vi khuẩn có hại có thể có trong sữa bột công thức cho trẻ em.4
4Tổ Chức Y Tế Thế Giới phối hợp với Tổ Chức Lương Thực và Nông Nghiệp của Liên Hợp Quốc. Năm 2007. Pha chế an toàn, bảo quản và xử lý sữa bột công thức dành cho trẻ sơ sinh: hướng dẫn. Tổ Chức Y Tế Thế Giới.
- Lắc nhẹ bình sữa
Gắn núm vú, đậy nắp và các phụ kiện khác vào bình sữa. Lắc/xoáy cho đến khi bột sữa tan.
- Làm mát bình sữa
Làm mát bình sữa đến nhiệt độ thích hợp bằng cách cầm bình sữa để dưới vòi nước chảy hoặc đặt bình vào dụng cụ chứa nước lạnh. Đảm bảo nước làm mát ở dưới nắp và không chạm vào núm vú.
- Kiểm tra nhiệt độ
Để ngăn không làm bỏng miệng trẻ, hãy kiểm tra nhiệt độ của sữa công thức bằng cách nhỏ lên phía bên trong cổ tay quý vị trước khi cho trẻ ăn. Làm mát lại cho đến khi bình sữa ấm.
Thông tin chính
Cho trẻ uống sữa công thức đã pha trong vòng 2 tiếng để giảm nguy cơ nhiễm trùng.
Cách bảo quản sữa công thức đã pha cho trẻ sơ sinh?
- Tốt nhất là pha một bình sữa mới mỗi khi trẻ cần, và cho trẻ uống ngay.
- Nếu quý vị phải pha sữa trước, làm mát bình sữa ngay sau khi pha và bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ 4℃ trở xuống.
- Vứt bỏ sữa bảo quản trong tủ lạnh nếu không sử dụng trong vòng 24 tiếng.
Cách hâm sữa công thức?
- Hâm nóng lại sữa bảo quản trong tủ lạnh không quá 15 phút. Hâm nóng lại bình sữa bằng cách đặt bình sữa vào dụng cụ chứa nước ấm. Đảm bảo rằng mực nước không chạm vào nắp hoặc núm vú. Thỉnh thoảng xoay bình sữa để đảm bảo sữa ấm lên.
- Làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất nếu quý vị sử dụng máy hâm sữa.
- Không bao giờ hâm nóng lại sữa thừa.
Thông tin chính
- Nên cho trẻ uống sữa công thức đã pha trong vòng 2 tiếng sau khi hâm nóng lại. Đổ bỏ nếu không sử dụng trong thời gian đó.
- Không bao giờ sử dụng lò vi sóng để hâm nóng lại sữa công thức bảo quản trong tủ lạnh. Lò vi sóng làm nóng thức ăn không đồng đều. Điều này có thể làm bỏng trẻ.
Hỏi: Tôi có thể pha sữa công thức khi ở xa nhà bằng cách nào?
- Nếu quý vị cần cho trẻ ăn khi ở xa nhà, quý vị có thể chọn loại sữa công thức dạng lỏng tiệt trùng pha sẵn cho trẻ sơ sinh. Nếu quý vị chọn pha sữa bột công thức khi ở xa nhà, hãy đặc biệt chú ý đến các quy trình và đảm bảo tất cả các dụng cụ cho trẻ uống sữa đều được tiệt trùng.
- Vì việc tiệt trùng cần có thời gian nên bố mẹ cần chuẩn bị trước bình sữa và dụng cụ đựng đã tiệt trùng. Trước khi ra ngoài, cho sữa bột công thức dành cho trẻ sơ sinh vào trong một hộp đựng khô. Đổ nước mới được đun sôi vào bình đựng chân không và vặn chặt nắp. Điều này giúp giữ nhiệt độ của nước ở 70℃ trở lên để pha sữa công thức.
Hỏi: Có thể pha sữa công thức trước khi chúng tôi ra ngoài không?
- An toàn nhất là cho trẻ uống sữa pha mới mỗi lần. Pha bình sữa mới mỗi khi trẻ cần. Nếu phải mang theo bình sữa đã được pha sẵn, hãy làm mát bình sữa ngay sau khi pha và bảo quản lạnh ở nhiệt độ 4℃ trở xuống. Ngay trước khi rời khỏi nhà, hãy đặt bình sữa đã pha vào một túi lạnh chứa đá để mang đi. Hãy nhớ rằng phải cho trẻ uống sữa công thức đã pha lấy ra từ tủ lạnh trong vòng hai tiếng.
Khi nào nên cho trẻ bú sữa?
Trẻ thể hiện các dấu hiệu đói và no bất kể trẻ bú sữa mẹ hay bú bình.
- Khi đói, trẻ sẽ có hành vi tìm kiếm thức ăn.
- Cho trẻ ăn khi quý vị nhận thấy những dấu hiệu đói biểu hiện sớm sau đây ở trẻ:
- Thức dậy và di chuyển
- Liếm môi
- Quay đầu tìm kiếm đồng thời mở miệng
- Mút tay hoặc nắm tay
- Khóc và quấy om sòm thường là những dấu hiệu đói biểu hiện muộn. Lúc đó, trẻ đã “rất đói bụng”. Tuy nhiên, trẻ có thể khóc vì những lý do khác.
- Giờ ăn là thời gian để quý vị và trẻ gắn kết chặt chẽ. Bế trẻ áp vào người da kề da trong khi cho trẻ ăn. Điều này khiến cho trẻ cảm thấy bình tĩnh, an toàn và ấm áp.
- Khi quý vị không thể tự cho trẻ ăn, hãy tìm cơ hội để âu yếm trẻ và cùng trẻ thực hiện các hoạt động hàng ngày khác. Điều này cũng giúp trẻ gắn kết với quý vị.
Cách cho trẻ bú sữa?
Hãy thư giãn. Giờ cho trẻ ăn là khoảng thời gian đặc biệt khi quý vị và trẻ có thể gắn kết với nhau. Trong khi quý vị cho trẻ ăn, hãy duy trì giao tiếp bằng mắt và nói chuyện nhẹ nhàng với trẻ.
Cho trẻ ăn
- Rửa tay trước khi cho trẻ ăn. Đeo yếm cho trẻ. Đặt trẻ vào vị trí thoải mái và chỗ ngồi có nâng đỡ cánh tay.
- Bế trẻ gần quý vị, để đầu và cổ trẻ nằm trên khuỷu tay của quý vị. Trẻ thường cảm thấy thoải mái hơn khi thở và nuốt trong tư thế hơi thẳng đứng này.
- Để trẻ nhìn thấy bình sưa. Nhẹ nhàng chạm núm vú vào môi trẻ. Trẻ sẽ phản ứng và mở miệng, sau đó quý vị hãy đặt núm vú vào bên trong miệng trẻ.
- Hơi nghiêng bình sữa để giữ cho núm vú luôn đầy sữa trong khi trẻ bú để trẻ không nuốt quá nhiều không khí.
- Khi trẻ dừng bú hoặc bú chậm, hãy lấy một phần núm vú ra. Nếu trẻ vẫn muốn bú, trẻ sẽ lại mút núm vú vào. Tạm dừng để cho trẻ ợ hơi nếu trẻ nhả núm vú ra. Tiếp tục cho trẻ bú sữa sau khi trẻ ợ hơi. Ngừng cho trẻ bú nếu trẻ có biểu hiện no.
Quan sát trẻ trong lúc cho trẻ bú sữa:
- Tìm hiểu các biểu hiện no của trẻ. Để trẻ quyết định lượng sữa bú vào mỗi lần cho ăn. Ngừng
cho trẻ ăn khi trẻ có dấu hiệu no, chẳng hạn như nếu trẻ:
- ngậm miệng
- mút chậm lại hoặc ngừng mút
- nhả núm vú ra
- đẩy bình sữa ra
- ưỡn lưng và quay đầu đi
- thả lỏng người và ngủ
- Quan sát hơi thở và sức mút sữa của trẻ. Trẻ cần rất nhiều sức để mút sữa nếu lỗ của núm vú quá nhỏ. Kiểm tra kích thước núm vú nếu cần. Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu quý vị có nghi ngờ.
Lưu Ý Quan Trọng
- Không thêm hoặc trộn bất kỳ thực phẩm hoặc thuốc nào vào sữa công thức cho trẻ sơ sinh.
- Không bao giờ chống đỡ bình sữa hoặc để trẻ một mình trong khi cho ăn. Điều đó sẽ khiến trẻ có nguy cơ bị nghẹn và nghẹt thở.
- Trong khi cho ăn, tránh đập vào bình sữa, hoặc mơn trớn miệng trẻ bằng núm vú. Điều đó sẽ khiến trẻ cảm thấy khó chịu.
- Không ép trẻ uống hết sữa công thức đã pha. Đổ bỏ sữa công thức còn thừa.
- Không để trẻ ngủ khi đang bú sữa. Điều này có thể gây sâu răng và dẫn đến thói quen ngủ không tốt.
Cách vỗ cho trẻ ợ hơi?
Vỗ cho trẻ ợ hơi sau khi bú để đẩy không khí mà trẻ đã nuốt phải trong khi bú.
- Vỗ cho trẻ ợ hơi sau khi bú hoặc khi trẻ có thời gian nghỉ ngơi ngắn trong khi bú
- Quý vị có thể cho trẻ ợ hơi theo những cách sau:
- Bế trẻ theo tư thế đứng thẳng trên vai của quý vị. Nhẹ nhàng vỗ hoặc xoa lưng trẻ.
- Để trẻ ngồi lên trên đùi quý vị. Đỡ đầu và ngực của trẻ. Nhẹ nhàng vỗ hoặc xoa lưng trẻ.
Tôi nên làm gì nếu trẻ phì ra sau khi bú sữa?
Nhiều trẻ sơ sinh phun ra một ít sữa sau khi bú, trong khi ợ hơi hoặc khi nằm xuống vì đường tiêu hóa của trẻ chưa phát triển đầy đủ.
Những điều sau đây sẽ giúp giảm số lần trẻ phun sữa ra:
- Cho trẻ ăn khi trẻ có dấu hiệu đói biểu hiện sớm, như liếm môi, mở miệng hoặc đưa tay vào miệng. Điều này giúp trẻ bình tĩnh và nuốt ít không khí hơn trong khi ăn.
- Đảm bảo rằng núm vú chứa đầy sữa khi cho trẻ bú.
- Tránh cho trẻ bú sữa quá nhiều. Ngừng cho trẻ bú khi trẻ có dấu hiệu no.
- Sau khi cho trẻ ăn hoặc ợ hơi, hãy bế trẻ ở tư thế đứng thẳng trong vòng 10 đến 20 phút. Quý vị có thể ôm trẻ hoặc để trẻ ngồi trên đùi quý vị.
- Nếu tình trạng phun sữa không cải thiện, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ của quý vị.
Trẻ cần bao nhiêu lượng sữa trong một ngày?
Trẻ điều chỉnh lượng sữa cần thiết để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và phát triển của trẻ. Cảm giác thèm ăn của trẻ thay đổi tùy theo từng ngày. Hãy để trẻ hướng dẫn quý vị về thời điểm và lượng sữa mà trẻ cần.
- Mỗi trẻ là một cá thể duy nhất. Một số trẻ cần bú lượng sữa nhỏ thường xuyên, trong khi một số trẻ cần được cho bú ít thường xuyên hơn nhưng mỗi lần bú nhiều sữa hơn.
- Trong vài ngày đầu sau khi sinh, một lần trẻ chỉ uống lượng nhỏ sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh vì dạ dày của trẻ khá nhỏ. Trẻ cần được cho ăn mỗi 2 đến 3 giờ một lần khi thức dậy. Trong vài tuần tiếp theo, trẻ có thể bú khoảng 60 đến 90 ml sữa cứ sau 3 đến 4 giờ một lần. Đôi khi trẻ có thể cần được cho bú thường xuyên hơn, vì vậy hãy thực hiện theo các tín hiệu của trẻ.
- Trẻ sơ sinh từ một đến hai tháng tuổi thường ổn định kiểu ăn uống thường xuyên của trẻ. Từ hai đến sáu tháng tuổi, một số trẻ điều chỉnh theo kiểu ăn vào ban ngày và ban đêm. Trẻ ngủ từ 5 đến 6 tiếng vào ban đêm và tiêu thụ lượng sữa lớn hơn khi thức dậy vào sáng sớm.
- Lượng sữa công thức cần thiết hàng ngày khác nhau tùy theo từng trẻ. Dưới đây là lượng sữa
tham khảo cho những trẻ khỏe mạnh trong vài tháng đầu đời5:
Tuổi Lượng tiêu thụ sữa công thức hàng ngày 1 tháng tuổi Khoảng 550 – 970 ml 2 đến 5 tháng tuổi Khoảng 630 – 1110 ml
5Leung, S.S.F., Lui, S. & Davies, D.P. (1988). A better guideline on milk requirements for babies below 6 months (Hướng dẫn chi tiết hơn về nhu cầu sữa của trẻ dưới 6 tháng tuổi). Tạp Chí Nhi Khoa Úc, 24, 186-190.
Liệu trẻ có đang bú đủ sữa?
Trẻ được cho ăn đủ khi trẻ có các dấu hiệu sau:
Tã ướt:
- Làm ướt 1 đến 2 chiếc tã mỗi ngày vào hai ngày đầu sau sinh.
- Làm ướt ít nhất 3 chiếc tã mỗi ngày vào ngày thứ 3 và thứ 4.
- Từ ngày thứ 5 trở đi, làm ướt ít nhất 5 đến 6 chiếc tã (khoảng 3 thìa canh nước trong mỗi cái tã) và nước tiểu trong suốt hoặc có màu vàng nhạt.
Phân của trẻ:
- Thay đổi từ phân su sang phân màu vàng nhạt trong 5 ngày đầu sau sinh.
- Kết cấu phân thay đổi dần dần từ lỏng, nhão đến có khuôn.
Cân nặng của trẻ:
- Trong vài ngày đầu sau khi sinh, việc trẻ giảm cân một chút là điều bình thường.
- Đến tuần thứ nhất đến tuần thứ hai, trẻ sẽ lấy lại cân nặng khi sinh và sau đó tăng cân đều đặn.
- Trong 2 tháng đầu, phần lớn trẻ sơ sinh tăng trung bình 0,5 kg trở lên mỗi tháng.
Nếu quý vị có bất kỳ thắc mắc nào về việc cho trẻ bú bình, vui lòng tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc y tá của quý vị.
Để biết thêm thông tin về sức khỏe, vui lòng truy cập trang web Cơ Quan Chăm Sóc Sức Khỏe Gia Đình: www.fhs.gov.hk hoặc gọi đến Đường Dây Nóng Cung Cấp Thông Tin 24 giờ: 2112 9900.
Những Điểm Chính Liên Quan Đến Việc Bú Bình
Tổ Chức Y Tế Thế Giới khuyến cáo rằng trẻ sơ sinh nên được bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu. Khi được khoảng sáu tháng tuổi, trẻ nên được cho ăn các loại thực phẩm rắn bổ dưỡng và tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ đến khi trẻ hai tuổi trở lên. Nếu bố mẹ không thể hoặc đã chọn không cho con bú, thì cho trẻ uống sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh là phương án thay thế duy nhất trong vài tháng đầu.
Chọn Sữa Công Thức Cho Trẻ Sơ Sinh
- Sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh (“Sữa công thức giai đoạn 1”) phù hợp cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
- Sữa công thức số 2 (“Sữa công thức giai đoạn 2”) không phù hợp với trẻ dưới 6 tháng tuổi. Không cần chuyển sang sữa công thức số 2 khi trẻ sau 6 tháng tuổi.
Pha Sữa Công Thức Dành Cho Trẻ Sơ Sinh
- Phải làm sạch và khử trùng bình sữa, núm vú và các dụng cụ khác.
- Đo chính xác lượng nước và sữa công thức dạng bột dành cho trẻ sơ sinh theo hướng dẫn trên bao bì khi pha sữa.
- Cho nước vào bình trước khi thêm sữa công thức dạng bột dành cho trẻ sơ sinh. Nhiệt độ của nước phải từ 70°C trở lên.
- Cho trẻ uống sữa công thức pha mới. Cho trẻ uống sữa công thức trong vòng 2 tiếng sau khi pha.
Cho trẻ ăn
- Kiểm tra nhiệt độ sữa.
- Nâng đỡ trẻ trong tư thế hơi đứng thẳng và bế trẻ trong khi cho trẻ bú sữa.
- Cho trẻ ăn theo tín hiệu của trẻ. Không ép trẻ ăn.
- Đổ bỏ sữa thừa.