Chứng Vàng Da Ở Trẻ Sơ Sinh
Chứng Vàng Da Ở Trẻ Sơ Sinh là tình trạng phổ biến ở trẻ sơ sinh, làm cho da và lòng trắng mắt bị vàng. Nguyên nhân là do sự gia tăng của một chất tự nhiên mang tên bilirubin trong máu.
Tại sao trẻ sơ sinh bị vàng da?
Sau khi chào đời, trẻ không cần quá nhiều hồng cầu như khi còn nằm trong bụng mẹ. Các tế bào hồng cầu này bị phá vỡ và bilirubin được giải phóng trong máu. Gan của trẻ sơ sinh chưa đủ trưởng thành để xử lý lượng bilirubin dư thừa, do đó, gây ra tình trạng tích tụ bilirubin trong máu của trẻ.
Chứng vàng da xuất hiện và biến mất khi nào?
Chứng vàng da thường xuất hiện vào ngày thứ hai hoặc thứ ba sau khi trẻ chào đời và giảm bớt sau khoảng 2-3 tuần khi gan của trẻ có thể xử lý bilirubin hiệu quả hơn.
Chứng vàng da có thể gây hại cho con tôi không?
Chứng Vàng Da Ở Trẻ Sơ Sinh không phải là một vấn đề nghiêm trọng ở hầu hết các trẻ khỏe mạnh. Tuy nhiên, nồng độ bilirubin rất cao có thể nguy hiểm và gây tổn thương não bộ ở một số trẻ sơ sinh.
Một số trẻ có nguy cơ có nồng độ bilirubin cao hơn:
- Trẻ sinh thiếu tháng
- Trẻ không bú tốt
- Trẻ thiếu hụt men Glucose 6 Phosphate Dehydrogenase
- Trẻ có nhóm máu khác với người mẹ
- Trẻ bị nhiễm trùng
Tôi có thể làm gì nếu con tôi bị vàng da?
- Đảm bảo cho bé bú đủ sữa để tránh mất nước. Quý vị có thể biết được điều này từ lượng nước tiểu và phân mà bé thải ra trong một ngày.
(Để biết thông tin chi tiết, vui lòng tham khảo “Hướng Dẫn Cách Cho Trẻ Bú Bình: Liệu con tôi có đang bú đủ sữa?”.)
- Vì mức bilirubin có thể tăng lên trong vài ngày đầu sau sinh, hãy đưa bé đến Trung Tâm Chăm Sóc Sức Khỏe Bà Mẹ và Trẻ Em hoặc bác sĩ gia đình/bác sĩ nhi khoa của quý vị để đánh giá ngay sau khi xuất viện.
- Bác sĩ sẽ theo dõi tình hình của bé. Nếu cần thiết, trẻ sẽ được chuyển đến bệnh viện để điều trị.
Chứng vàng da có cần được điều trị không?
- Hầu hết trẻ sơ sinh bị vàng da không cần điều trị. Chứng vàng da sẽ tự khỏi khi gan của trẻ phát triển trưởng thành.
- Nếu mức độ bilirubin rất cao hoặc tăng rất nhanh, con quý vị sẽ cần được thực hiện quang trị liệu trong bệnh viện.
Tắm nắng có thể giúp giảm vàng da không?
Tắm nắng không phải là một phương pháp thích hợp để điều trị chứng vàng da ở trẻ sơ sinh. Điều trị chứng vàng da cần được giám sát y tế.
Nếu con tôi bị vàng da, tôi có thể tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ không?
- Quý vị có thể tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ. Tất cả trẻ sơ sinh đều có thể bị vàng da dù bú sữa mẹ hay sữa công thức.
- Nếu con quý vị bú đủ sữa mẹ, có thể quan sát qua lượng nước tiểu và phân phù hợp cũng như lộ trình tăng cân bình thường, thì trẻ không cần phải ngừng bú mẹ hoặc bú thêm sữa công thức.
(Để biết thông tin chi tiết, vui lòng tham khảo “Cho trẻ bú sữa mẹ: Làm thế nào để biết con quý vị có bú đủ sữa hay không?”.)
- Chứng vàng da ở một số trẻ bú sữa mẹ có thể kéo dài hơn một chút và thường giảm dần trong vòng hai đến ba tháng. Tình trạng này được gọi là “Vàng da do sữa mẹ” ở mức nhẹ và không gây hại cho sức khỏe của trẻ. Không nhất thiết phải đổi sang cho trẻ uống sữa công thức.
Chứng vàng da của con tôi không biến mất, tôi có thể làm gì?
- Nếu chứng vàng da kéo dài sau hai đến ba tuần hoặc phân bé có màu xanh, hãy đưa bé đi khám sớm hoặc đến Trung Tâm Chăm Sóc Sức Khỏe Bà Mẹ và Trẻ Em để thăm khám.
- Trẻ có thể cần được chuyển đến bác sĩ chuyên khoa Nhi để khám thêm nhằm loại trừ các vấn đề về gan hoặc mật.
Thiếu hụt men Glucose 6 Phosphate Dehydrogenase (G6PD) là gì? Làm cách nào để biết con tôi có bị thiếu hụt men G6PD hay không?
- Thiếu hụt men G6PD là một dạng bệnh di truyền.
- Khi trẻ bị thiếu hụt men G6PD tiếp xúc với đậu Fava, một số loại thuốc hoặc thuốc thảo dược Trung Quốc, các sản phẩm có chứa Naphthalene, v.v., một lượng lớn tế bào hồng cầu sẽ bị phá vỡ gây ra chứng vàng da nghiêm trọng.
- Những trẻ được sinh ra tại các bệnh viện công của Hồng Kông được xét nghiệm máu cuống rốn để kiểm tra tình trạng thiếu hụt men G6PD. Bố mẹ trẻ sẽ được thông báo, thường vào thời điểm trước khi xuất viện, nếu trẻ được phát hiện mắc bệnh thiếu hụt men G6PD.