Phòng Ngừa Các Bệnh Truyền Nhiễm

(Sửa đổi nội dung vào tháng 12 năm 2019)

Chủng ngừa là gì?

Chủng ngừa là việc đưa vắc-xin vào cơ thể chúng ta để tạo ra kháng thể nhằm tạo miễn dịch chống lại một số bệnh truyền nhiễm. Vắc-xin có thể được dùng qua đường uống hoặc đường tiêm.

Tại sao trẻ em cần chủng ngừa?

Lý do cần chủng ngừa là để giảm nguy cơ trẻ em mắc các bệnh truyền nhiễm. Hơn nữa, nếu đa số người dân được chủng ngừa và trở nên miễn dịch, điều này sẽ làm giảm nguy cơ các bệnh truyền nhiễm lây lan trong cộng đồng, từ đó bảo vệ sức khỏe của cá nhân và cộng đồng.

Khi nào nên chủng ngừa cho trẻ?

Cần bắt đầu chủng ngừa cho trẻ từ khi mới sinh, sau này lại tiêm nhắc lại đối với một số loại vắc-xin để duy trì khả năng miễn dịch.

Tại sao trẻ em cần tiêm nhắc lại?

Bằng chứng khoa học chỉ ra rằng khả năng miễn dịch được tạo ra bởi một số loại vắc-xin giảm dần theo thời gian. Do đó, cần tiêm nhắc lại sau một khoảng thời gian để tăng cường khả năng miễn dịch.

Trẻ em nên tiêm những loại vắc-xin nào và có thể chủng ngừa ở đâu?

Ủy Ban Khoa Học về Các Bệnh Có Thể Phòng Ngừa bằng Vắc-Xin (Scientific Committee on Vaccine Preventable Diseases, SCVPD) thuộc Trung Tâm Bảo Vệ Sức Khỏe (Centre for Health Protection, CHP) của Bộ Y Tế (Department of Health, DH) đưa ra các khuyến nghị liên quan đến Chương Trình Chủng Ngừa cho Trẻ Em Hồng Kông (Hong Kong Childhood Immunisation Programme, HKCIP) dựa trên dịch tễ học địa phương và bằng chứng khoa học. Chủng ngừa trong hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng tuân theo lịch trình của HKCIP. Cần cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tiêm các loại vắc-xin và mũi nhắc lại khác nhau để bảo vệ các em khỏi bệnh lao, bại liệt, viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, nhiễm phế cầu khuẩn, thủy đậu, sởi, quai bị, rubella và ung thư cổ tử cung^. Do các quốc gia và khu vực khác nhau có chương trình chủng ngừa cho trẻ nhỏ riêng dựa trên dịch tễ học của từng quốc gia, DH khuyến cáo trẻ em nên chủng ngừa tại nơi thường cư trú để bảo vệ toàn diện chống lại các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em.

Phụ huynh có thể đưa con em mình trong độ tuổi từ sơ sinh đến năm tuổi đến bất kỳ Trung Tâm Chăm Sóc Sức Khỏe Bà Mẹ và Trẻ Em (Maternal and Child Health Centre, MCHC) nào của DH để chủng ngừa. Đội ngũ chủng ngừa của DH sẽ đến các trường tiểu học để tiến hành chủng ngừa cho học sinh. Cha mẹ cũng có thể đưa trẻ đến khám bác sĩ tư nhân để được chủng ngừa.

Vui lòng truy cập www.fhs.gov.hk để biết thêm thông tin chi tiết về các dịch vụ do MCHC cung cấp và việc sắp xếp đặt lịch, v.v.

Ngoài các loại vắc-xin có trong HKCIP, có nên cho trẻ tiêm các loại vắc-xin khác không?

Ngoài những loại vắc-xin có trong HKCIP, một số bác sĩ và bệnh viện tư nhân có thể cung cấp các loại vắc-xin khác như vắc-xin Cúm, vắc-xin Haemophilus influenzae týp b, vắc-xin viêm màng não mô cầu, vắc-xin rota, vắc-xin viêm gan A và vắc-xin viêm não Nhật Bản, v.v. Bố mẹ có thể nhờ bác sĩ tư vấn và họ có thể đề nghị tiêm vắc-xin bên ngoài HKCIP cho trẻ dựa trên nhu cầu sức khỏe của từng cá nhân.

Có thể cho trẻ bị ho, sổ mũi chủng ngừa không?

Nói chung, nếu trẻ có các triệu chứng trên mà vẫn ăn, chơi, ngủ tốt, đi tiêu bình thường thì có thể cho trẻ chủng ngừa. Nếu bố mẹ lo lắng, có thể hoãn chủng ngừa vài ngày để có đủ thời gian quan sát tình trạng của trẻ. Nếu trẻ sốt, trước tiên bố mẹ phải đưa trẻ đến khám tại Phòng Khám Ngoại Trú Tổng Quát hoặc phòng khám của bác sĩ tư nhân và để trẻ hồi phục sức khỏe trước khi chủng ngừa.

Trong những trường hợp nào thì có thể cần hoãn chủng ngừa?

Đa số trẻ em đều có thể được chủng ngừa. Trong một số trường hợp cụ thể, có thể cần hoãn chủng ngừa hoặc cần có sắp xếp đặc biệt. Nếu con quý vị có bất kỳ (các) bệnh trạng nào sau đây, quý vị nên nhờ tư vấn y tế trước khi cho trẻ chủng ngừa.

  1. Bất kỳ bệnh trạng suy giảm miễn dịch nào:
    • Suy giảm miễn dịch bẩm sinh
    • Bệnh bạch cầu, ung thư
    • Bệnh mạn tính điều trị lâu dài, ví dụ: xạ trị, hóa trị hoặc dùng corticosteroid.
  2. Tiền sử phản ứng nghiêm trọng với vắc-xin.
  3. Tiền sử quá mẫn nghiêm trọng với bất kỳ chất hoặc thuốc kháng sinh nào.
  4. Các bệnh trạng khác được bác sĩ chẩn đoán là không thích hợp để chủng ngừa.

Nếu quá ngày chủng ngừa theo kế hoạch hoặc bị lỡ một liều vắc-xin, bố mẹ cần làm gì?

Phụ huynh nên đặt lịch hẹn tại MCHC đã đăng ký hoặc phòng khám của bác sĩ tư nhân để tiêm liều vắc-xin bị lỡ càng sớm càng tốt.

Các phản ứng sau khi chủng ngừa là gì? Bố mẹ cần kiểm soát những phản ứng này như thế nào?

Các phản ứng sau khi chủng ngừa thường ở mức nhẹ, bao gồm sốt nhẹ, quấy khóc và hơi sưng hoặc đau nhức xung quanh vết tiêm. Bố mẹ có thể cho trẻ dùng paracetamol (không dùng Aspirin) theo hướng dẫn của chuyên gia chăm sóc sức khỏe để hạ sốt hoặc giảm đau. Bố mẹ cũng có thể chườm khăn mát lên vùng đau để giảm bớt khó chịu. Nếu trẻ tiếp tục quấy khóc kéo dài hơn 24 giờ, phát sốt từ 40°C (104°F) trở lên hoặc sưng và đau ngày càng nhiều trên vết tiêm sau 24 giờ thì nên đưa trẻ đi khám.

Các phản ứng bất lợi nghiêm trọng là gì? Bố mẹ cần làm gì?

Rất hiếm gặp các phản ứng bất lợi nghiêm trọng sau khi chủng ngừa. Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm xanh xao, mạch đập nhanh, khó thở, phát ban và ngất diễn ra trong vòng vài phút đến vài giờ sau khi tiêm vắc-xin.

Bố mẹ nên đưa trẻ có các triệu chứng trên đến ngay Khoa Tai Nạn và Cấp Cứu để được điều trị, đồng thời thông báo cho bác sĩ về loại vắc-xin được tiêm và ngày tiêm vắc-xin.

Bố mẹ cần làm gì với hồ sơ chủng ngừa sau khi trẻ đã hoàn thành tất cả các mũi chủng ngừa cho trẻ nhỏ?

Hồ sơ chủng ngừa là một tài liệu rất quan trọng và bố mẹ cần lưu trữ an toàn.

Chương Trình Chủng Ngừa cho Trẻ Em Hong Kong

Tuổi/Lớp Mũi Chủng Ngừa Được Khuyến Nghị
Trẻ sơ sinh Vắc-xin Bacille Calmette-Guérin (BCG)
Vắc-xin Viêm Gan B - Liều Đầu Tiên
1 tháng tuổi Vắc-xin Viêm Gan B - Liều Thứ Hai
2 tháng tuổi Vắc-xin DTaP-IPV - Liều Đầu Tiên
Vắc-xin Phế Cầu Khuẩn - Liều Đầu Tiên
4 tháng tuổi Vắc-xin DTaP-IPV - Liều Thứ Hai
Vắc-xin Phế Cầu Khuẩn - Liều Thứ Hai
6 tháng tuổi Vắc-xin DTaP-IPV - Liều Thứ Ba
Vắc-xin Viêm Gan B - Liều Thứ Ba
12 tháng tuổi Vắc-xin Sởi, Quai Bị và Rubella (Measles, Mumps & Rubella, MMR) – Liều Đầu Tiên
Vắc-xin Phế Cầu Khuẩn - Liều Nhắc Lại
Vắc-xin Thủy Đậu - Liều Đầu Tiên
18 tháng tuổi

Vắc-xin DTaP-IPV - Liều Nhắc Lại
Vắc-xin Sởi, Quai Bị, Rubella và Thủy Đậu (Measles, Mumps, Rubella & Varicella, MMRV) - Liều Thứ Hai*

Lớp 1 Vắc-xin Sởi, Quai Bị, Rubella và Thủy Đậu (MMRV) - Liều Thứ Hai*
Vắc-xin DTaP-IPV - Liều Nhắc Lại
Lớp 5 Vắc-xin Siêu Vi Papilon Ở Người - Liều Đầu Tiên^
Lớp 6 Vắc-xin dTap-IPV - Liều Nhắc Lại
Vắc-xin Siêu Vi Papilon Ở Người - Liều Thứ Hai^

Vắc-xin DTaP- IPV: Vắc-xin Bạch Hầu, Uốn Ván, Ho Gà vô bào & Bại Liệt Bất Hoạt

Vắc-xin dTap-IPV: Vắc-xin Bạch Hầu (liều giảm), Uốn Ván, Ho Gà vô bào (liều giảm) & Bại Liệt Bất Hoạt

* Trẻ sinh vào hoặc sau ngày 1/7/2018 được tiêm vắc-xin MMRV khi được 18 tháng tuổi tại các Trung Tâm Chăm Sóc Sức Khỏe Bà Mẹ và Trẻ Em. Trẻ sinh từ ngày 1/1/2013 đến ngày 30/6/2018 được tiêm vắc-xin MMRV ở Lớp 1.

^ Bắt đầu từ năm học 2019/2020, các học sinh nữ đủ điều kiện sẽ được tiêm liều đầu tiên của vắc-xin HPV 9 chủng ở Lớp 5 và liều thứ hai khi lên Lớp 6 trong năm học tiếp theo.

Hãy nhớ sắp xếp theo dõi việc chủng ngừa của con quý vị nếu quý vị rời Hong Kong.

Vui lòng gọi đến Đường Dây Nóng Cung Cấp Thông Tin 24 giờ 2112 9900 để truy cập địa chỉ và số điện thoại của MCHC.

Để biết thêm thông tin về sức khỏe, vui lòng gọi Đường Dây Cung Cấp Thông Tin về Giáo Dục Sức Khỏe (tiếng Quảng Đông, tiếng Anh và tiếng Quan Thoại) của chúng tôi theo số 2833 0111 hoặc truy cập trang web của Cơ Quan Quản Lý Sức Khỏe Gia Đình, Bộ Y Tế tại địa chỉ http://www.fhs.gov.hk.