Sự Phát Triển của Trẻ 5 – Tám Tháng Tuổi đến Mười Hai Tháng Tuổi
Trong vài tháng ở giai đoạn này, trẻ ngày càng trở nên hay chuyển động. Việc có thể di chuyển mang lại cho trẻ cảm giác quyền lực và tự chủ để độc lập về thể chất. Đồng thời, cảm giác lo lắng khi có người lạ cũng đạt đến đỉnh điểm. Quý vị có thể nhận thấy trẻ háo hức di chuyển và tự mình khám phá. Tuy nhiên, trẻ có thể buồn bực nếu đi lạc khỏi tầm mắt của quý vị hoặc quý vị ở quá xa trẻ.
Đây là thời điểm mà nhận thức về an toàn của quý vị là điều vô cùng quan trọng. Hãy chắc chắn rằng nhà của quý vị đảm bảo an toàn cho trẻ. Bằng cách tạo ra một môi trường an toàn và thú vị, quý vị cho trẻ nhiều tự do hơn để trẻ có thể tự khám phá mà không cần quý vị can thiệp nhiều.
Nắm rõ thời điểm hướng dẫn trẻ và thời điểm để trẻ tự làm mọi việc là một phần của nghệ thuật nuôi dạy con cái. Quý vị càng cho trẻ nhiều cơ hội để khám phá, thử nghiệm và giải quyết vấn đề thì năng lực, sự tự tin và động lực để khám phá của trẻ càng mạnh mẽ.
Khi đến cuối giai đoạn này, trẻ sẽ có thể:
Hoạt động
- Đến vị trí ngồi mà không cần sự hỗ trợ
- Ngồi ngoan trên sàn và có thể xoay người sang hai bên mà không bị ngã
- Chuyển từ tư thế ngồi sang tư thế bò hoặc nằm sấp
- Trườn sấp hoặc bò bằng tay và đầu gối, hoặc lê đi bằng mông
- Hạ thấp người từ tư thế đứng sang tư thế ngồi hoặc ngồi xổm đồng thời bám tay vào đồ đạc
- Đứng khi được nâng đỡ và có thể đứng một mình trong giây lát
- Tự đứng dậy
- Đi vòng quanh, bám vào đồ đạc
- Đi bộ khi được người lớn nắm tay hoặc có thể tự đi vài bước
Kỹ năng với bàn tay và ngón tay
- Chọc bằng ngón trỏ
- Nhặt các vật nhỏ bằng ngón tay cái và ngón trỏ (giống như cái panh kẹp)
- Lấy đồ vật ra và cho vào hộp đựng
- Tự nguyện lấy đồ vật ra
- Cố ý làm rơi đồ chơi nhiều lần để người lớn nhặt
Phát triển ngôn ngữ
- Ngày càng chú ý đến lời nói
- Hiểu ý nghĩa của từ "Không"
- Trả lời các lệnh đơn giản theo tình huống, ví dụ: Vẫy tay "tạm biệt", "đưa cho mẹ nào"
- Lắc đầu thể hiện “Từ chối”
- Thể hiện mong muốn bằng cử chỉ, chỉ tay bằng ngón trỏ hoặc thậm chí dùng lời nói
- Nói những câu bập bẹ dài (chuỗi âm tiết dài) hoặc biệt ngữ (phát âm giống lời nói)
- Cố gắng bắt chước lời
- Nói 1 đến 2 từ một cách tự nhiên như "ma-ma" hoặc "da-da”
Phát Triển Nhận Thức
- Khám phá các đồ vật theo nhiều cách khác nhau (lắc, đập, ném và thả)
- Tìm đồ chơi giấu đi dễ dàng
- Hiểu cách sử dụng đúng các đồ vật hàng ngày (ví dụ như lược để chải tóc)
- Bắt đầu tham gia vào trò chơi giả bộ với các đồ vật trong nhà (ví dụ: Nói bập bẹ vào điện thoại)
- Giữ khoảng cách tập trung chú ý tương đối ngắn
Phát triển về mặt xã hội và tình cảm
- Biểu hiện nhút nhát hoặc lo lắng khi có mặt người lạ, tỏ ra buồn bực khi cha mẹ rời đi
- Thể hiện ưu ái đối với một số người và đồ chơi
- Kiểm tra phản ứng của cha mẹ với các hành vi của trẻ
- Thích bắt chước hành động của người khác trong trò chơi của trẻ
Tự chăm sóc bản thân
- Ăn bằng tay (tức là tự ăn bằng cách sử dụng ngón tay để cầm thức ăn)
- Hỗ trợ trong quá trình mặc quần áo bằng cách giơ tay và chân ra
Kích thích sự phát triển của trẻ sơ sinh
Để trẻ tự do khám phá trong một môi trường an toàn. Cố gắng tăng khả năng chịu đựng của quý vị đối với mức độ lộn xộn mà trẻ sẽ tạo ra. Quan sát và tìm hiểu từ những hành vi khám phá của trẻ, những thứ mà trẻ quan tâm. Đáp lời trẻ và khen ngợi trẻ vì những hành vi mong muốn. Dành thời gian ở bên trẻ, khoảng thời gian ngắn nhưng thường xuyên cũng có hiệu quả như khoảng thời gian dài. Trò chuyện và chơi với trẻ trong khi chiều theo sở thích của trẻ là điều quan trọng cho sự phát triển của trẻ.
Những việc quý vị có thể làm:
- Cho bé hoạt động thể chất nhiều lần trong ngày theo nhiều cách khác nhau
- Khuyến khích và cho phép trẻ di chuyển bằng cách bò hoặc đi lần theo đồ đạc có quý vị giám sát
- Khuyến khích trẻ đi và tạo khả năng giữ thăng bằng bằng cách đẩy một chiếc “xe đẩy tập đi” có trọng lượng
- Tránh cố ép trẻ ngồi vào ghế đẩy tập đi, ghế cao hoặc địu em bé trong hơn 1 giờ mỗi lần.
- Hãy để trẻ tự ăn bằng cách bốc khi có sự giám sát của quý vị
- Tận dụng mọi cơ hội để trò chuyện với trẻ, nói với trẻ những điều đang xảy ra xung quanh, đặc biệt là khi quý vị tắm, thay đồ và cho trẻ ăn
- Sử dụng ngôn ngữ đơn giản và cụ thể khi nói chuyện, ví dụ: "Mẹ đang rửa tay cho con nè”
- Đọc sách cùng với trẻ và tạo cơ hội cho trẻ tham gia đọc.
- Khuyến khích trẻ giao tiếp bằng cách đáp ứng kịp thời những nỗ lực giao tiếp của trẻ
- Chơi trò "ú òa" và các trò chơi giao tiếp khác
- Tạo cơ hội để trẻ tương tác với những trẻ và người lớn khác, ví dụ: bằng cách đưa trẻ đến công viên
- Tránh dành thời gian ngồi trước màn hình, sử dụng các phương tiện điện tử khác nhau cho con quý vị
Những đồ chơi mà quý vị có thể chọn
- Đồ chơi có kích thước, hình dạng và màu sắc khác nhau
- Bảng hoạt động khuyến khích các kiểu thao tác khác nhau bằng ngón tay của trẻ
- Hộp đựng hoặc thùng rỗng để bỏ đồ chơi vào và lấy đồ chơi ra
- Cốc nhựa, thìa, lược, điện thoại đồ chơi, búp bê lớn và con rối để chơi theo trí tưởng tượng
- Sách bìa cứng, sách vải hoặc nhựa vinyl có hình ảnh lớn để trẻ xem và lật các trang
Sử dụng xe tập đi
Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo mạnh mẽ các bậc cha mẹ không sử dụng xe tập đi cho trẻ. Trái ngược với tên gọi, xe tập đi không giúp ích gì cho quá trình tập đi của trẻ. Chúng chỉ tăng cường cơ bắp ở cẳng chân chứ không tăng cường cơ bắp ở đùi và hông, bộ phận được sử dụng nhiều nhất khi đi. Xe tập đi sẽ làm giảm mong muốn đi của trẻ. Vì trẻ có thể di chuyển xung quanh dễ dàng nên trẻ có thể đến những nơi nguy hiểm. Ngoài ra còn có nguy cơ lật nhào khi trẻ va vào chướng ngại vật.
Những thông tin trên chỉ cung cấp cho quý vị ý tưởng chung về những thay đổi dự kiến khi trẻ lớn lên. Mỗi trẻ là một cá thể duy nhất và những biến đổi trên phạm vi rộng về tốc độ phát triển là bình thường. Quý vị đừng lo lắng nếu trẻ ở thời điểm nào đó to ra hơi khác hoặc không đạt được khả năng nhất định ở một số giai đoạn. Điều đó chỉ có thể báo hiệu là trẻ cần được chú ý nhiều hơn.
Thảo luận với bác sĩ hoặc y tá nếu
Đến 9 tháng tuổi, trẻ
- Không tự ngồi một mình
Đến 12 tháng tuổi, trẻ
- Không đi lại bằng cách bám vào đồ đạc
- Không nhặt các đồ vật nhỏ như vụn và cơm bằng đầu ngón tay
- Ít khi nhìn vào mắt người chăm sóc trẻ
- Không thường xuyên đáp lại khi được gọi tên
- Không đáp lại mệnh lệnh bằng các dấu hiệu, cử chỉ, ví dụ: vẫy tay "tạm biệt đi", "vỗ tay nào”
- Không sử dụng âm thanh, lời nói, cử chỉ hoặc chỉ tay để biểu thị nhu cầu
- Tỏ vẻ như không nghe hoặc nhìn rõ
Nếu quý vị có mối quan ngại hoặc thắc mắc, hãy thảo luận với y tá và bác sĩ tại bất kỳ MCHC nào hoặc bác sĩ gia đình/bác sĩ nhi khoa của quý vị.
Chúng tôi tổ chức các cuộc hội thảo chăm sóc trẻ em và làm cha mẹ và tờ thông tin dành cho các cha mẹ tương lai, cha mẹ của trẻ sơ sinh và trẻ mầm non. Vui lòng liên hệ với nhân viên y tế của chúng tôi để biết thông tin.