Sê-ri Nuôi Dạy Con Cái 13 - Giao Tiếp bằng Lời Nói Dành Cho trẻ 2-4 tuổi
Sau sinh nhật hai tuổi, với vốn từ vựng đã được tích lũy, con quý vị có thể diễn đạt nhu cầu của mình bằng lời nói nhiều hơn. Cung cấp môi trường ngôn ngữ phù hợp với các hoạt động ngôn ngữ sẽ giúp trẻ phát triển ngôn ngữ của mình thành một công cụ để giao tiếp, học tập và tư duy. Vì tốc độ phát triển ngôn ngữ ở mỗi trẻ khác nhau, đặc biệt là các kỹ năng diễn đạt, nên điều cần thiết là phải nắm được mức độ khả năng ngôn ngữ của con quý vị.
Đặc Điểm Phát Triển Ngôn Ngữ của trẻ 2-4 tuổi
Dưới đây là mô tả chung ngắn gọn về sự phát triển ngôn ngữ của trẻ từ 2 đến 4 tuổi. Quý vị có thể tham khảo thêm thông tin chi tiết trong sê-ri tờ thông tin về chủ đề Sự Phát Triển của Trẻ Em.
Khoảng Độ Tuổi |
Nhận Thức |
Diễn Đạt |
---|---|---|
2-3 tuổi |
Hiểu các câu hỏi "có/không', "cái gì" và "ở đâu" đơn giản |
|
3-4 tuổi |
Làm theo hướng dẫn hàng ngày, ví dụ: “Con hãy cho áo phông vào giỏ giặt trong nhà vệ sinh”. |
|
Hướng Dẫn Tạo Môi Trường Ngôn Ngữ Phong Phú
Nói Chuyện với Con Quý Vị
Quý vị là người gần gũi nhất và là hình mẫu cho con quý vị. Tận dụng các cơ hội hàng ngày để nói chuyện với trẻ sẽ làm phong phú thêm trải nghiệm nghe và nói của trẻ.
- Mô tả hành động của quý vị
Mô tả cho trẻ về những việc quý vị đang làm, ví dụ: "Mẹ đang cất quần áo vào ngăn kéo". Lưu ý đến mức độ hiểu được của trẻ và sử dụng các thuật ngữ rõ ràng và ngắn gọn.
- Sử dụng các câu hỏi
Sử dụng các câu hỏi một cách thích hợp để khơi gợi ý tưởng và từ ngữ của trẻ. Ví dụ: "Con có muốn ăn bánh mì không?" "Con đang làm gì vậy?" Khi vốn từ vựng của trẻ mở rộng, hãy sử dụng các câu hỏi gợi mở hơn như "Con muốn ăn gì cho bữa sáng?" thay vì những câu hỏi đóng. Điều này có thể khuyến khích trẻ trình bày chi tiết những gì trẻ muốn.
- Phản hồi tích cực
Trẻ 3 tuổi thường hay biểu đạt và tò mò. Khi trẻ đến gần quý vị, hãy cố gắng dừng việc quý vị đang làm và chú ý đến lời nói của trẻ. Khuyến khích trẻ nói chuyện bằng cách mỉm cười, gật đầu hoặc khen ngợi. Kiên nhẫn đợi trẻ nói xong trước khi quý vị trả lời.
- Bổ sung thêm từ ngữ và khái niệm mới
Việc bổ sung thêm những khái niệm mới vào những điều con quý vị nói sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc học của trẻ. Ví dụ: khi trẻ nói: "Mẹ muốn ăn bánh quy", quý vị có thể trả lời bằng cách nói: "Con đói và muốn Mẹ cho con một ít bánh quy". Một ví dụ khác là khi trẻ nói "cún con chạy đến đây", quý vị có thể đáp lại bằng cách nói: "Ồ đúng rồi, có một con chó trắng. Một con chó đen cũng đang chạy đến".
- Học trong bầu không khí tự nhiên
Con quý vị có thể nói những câu ngắn không đúng ngữ pháp, ví dụ: "Tại sao không được con chơi?" thay vì "Tại sao con không được chơi?" Ngoài ra, trẻ có thể không phát âm chính xác trong phần lớn thời gian cho đến khi trẻ lên bốn tuổi. Đừng làm trẻ cảm thấy xấu hổ. Chỉ lặp lại lời nói của trẻ một cách chính xác và không yêu cầu trẻ bắt chước quý vị. Ví dụ: khi trẻ nói "chúp" để chỉ món "súp", quý vị chỉ cần nói với trẻ là "Đúng vậy, đó là món súp".
Đọc Sách cùng Trẻ
Trẻ từ 2 đến 4 tuổi thích đọc sách. Trẻ sẽ thích ngồi trên đùi quý vị và nhìn những bức tranh trong khi quý vị đọc sách cho trẻ nghe. Hãy cố gắng dành một chút thời gian để đọc sách với trẻ mỗi ngày. Điều đó không chỉ giúp củng cố mối quan hệ thân thiết giữa quý vị với trẻ mà còn giúp tạo điều kiện cho trẻ phát triển ngôn ngữ, trí tưởng tượng và tư duy.
Hướng dẫn chọn sách
- Sách phải chứa những bức tranh nhiều màu sắc và được vẽ rõ ràng.
- Các bức tranh nên mang lại ý nghĩa trong việc kể chuyện mà không có chữ in. Từ ngữ phải đơn giản và ngắn gọn.
- Nội dung phải phù hợp với trình độ phát triển của trẻ và mô tả những sự vật hoặc sự kiện quen thuộc với trẻ.
Hướng dẫn đọc sách cùng trẻ
- Hãy để trẻ chọn sách và các trang sách để đọc.
- Cho trẻ ngồi trong lòng quý vị hoặc ngồi bên cạnh quý vị và cùng đọc sách với trẻ.
- Hãy để trẻ giúp quý vị cầm cuốn sách và lật các trang sách.
- Chỉ vào những bức tranh khi quý vị nói về những bức tranh đó.
- Hướng dẫn trẻ quan sát và mô tả các bức tranh hoặc kể câu chuyện cho quý vị nghe.
- Khi đọc truyện cho trẻ nghe, thỉnh thoảng hãy để trẻ điền các từ hoặc các phần của câu còn thiếu. Dừng lại và đặt những câu hỏi như "Điều gì sẽ xảy ra sau đó?" Cách này sẽ giúp trẻ học cách mô tả các sự kiện và phát triển khả năng suy luận hợp lý.
- Trẻ em thích nghe đi nghe lại cùng một câu chuyện. Hãy tận dụng đặc điểm này và áp dụng những kỹ thuật trên để hướng dẫn trẻ dần dần tự kể một câu chuyện quen thuộc.
- Hãy nhớ thể hiện sự quan tâm và khen ngợi, động viên những gì trẻ nói.
- Không tạo áp lực cho trẻ bằng cách yêu cầu trẻ đánh vần hoặc đọc các từ. Điều đó sẽ chỉ khiến việc đọc sách trở nên nhàm chán và đáng sợ đối với trẻ.
Chơi cùng Trẻ
Trẻ từ 2 đến 4 tuổi thích tự nói một mình trong khi chơi. Trẻ thích đóng các vai khác nhau như trong cuộc sống hàng ngày hoặc nói về trí tưởng tượng của mình.
Nói chuyện với trẻ trong khi chơi với trẻ bằng các kỹ thuật giao tiếp được đề cập trong phần "Nói Chuyện với Con Quý Vị".
Hoạt Động Âm Nhạc với Trẻ
Tiết tấu thu hút sự quan tâm và chú ý của trẻ. Nghe nhạc và hát cùng trẻ cũng có thể thúc đẩy sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Hãy tự soạn lời bài hát và lồng ghép trong các tiết tấu quen thuộc. Ví dụ: "Cầu London đang sập xuống" có thể đổi thành "Lá cây đang rơi xuống" hoặc "Cầu London dài và cao". Thêm vào các chuyển động sẽ khiến cho bầu không khí vui hơn.
Các Câu Hỏi Thường Gặp về Phát Triển Ngôn Ngữ
Tôi có thể làm gì để khuyến khích con tôi nói trước mặt người khác?
Trẻ em nên học cách nói chuyện trong bầu không khí tự nhiên. Việc ép buộc trẻ nói hoặc biểu diễn trước mọi người sẽ chỉ tạo áp lực cho cả quý vị và trẻ. Cho phép trẻ chào hỏi bằng cách gật đầu hoặc mỉm cười khi gặp người lạ. Trẻ em thường sẽ bắt đầu nói sau khi chúng đã khởi động và trở nên thoải mái.
Con tôi 'nói lắp' khi muốn nói với tôi điều gì đó. Có vấn đề gì với bé không?
Trẻ 2-3 tuổi thường lặp lại âm thanh, âm tiết và từ ngữ khi nói. Các hành vi này thường xuất hiện khi trẻ chịu áp lực hoặc vội vàng. Đây không phải là nói lắp mà là sự lặp lại bình thường khi nói không trôi chảy. Hành vi này có thể biến mất dần khi trẻ lớn lên. Thay vì khiến cho trẻ cảm thấy xấu hổ hoặc chỉ trích trẻ, hãy kiên nhẫn lắng nghe trẻ nói mà không ngắt lời hoặc thúc giục. Tránh nói quá nhanh để trẻ bắt chước. Nếu hành vi lặp lại diễn ra đáng kể hoặc vẫn kéo dài sau khi trẻ bốn tuổi, hãy hỏi ý kiến bác sĩ hoặc nhà trị liệu âm ngữ.
Tôi đã thuê một người giúp việc Philippines để chăm sóc con tôi. Môi trường song ngữ có ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ của con tôi không?
Không có nghiên cứu nào cho thấy song ngữ sẽ gây ra rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em. Trong môi trường tiếp nhận song ngữ thỏa đáng và chất lượng tốt, trẻ có khả năng tiếp thu cả hai ngôn ngữ và đạt các mốc phát triển. Trong số những trẻ bị chậm phát triển ngôn ngữ, một số nhà nghiên cứu cho rằng những trẻ sử dụng song ngữ có thể đạt được mức độ thành thạo ngôn ngữ tương tự như những trẻ sử dụng đơn ngữ mà không gặp thêm bất lợi nào. Tuy nhiên, có thể xảy ra tình trạng chậm trễ chung ở cả hai ngôn ngữ. Do đó, nếu trẻ sử dụng song ngữ trong môi trường tự nhiên ở nhà, có thể không cần hạn chế việc sử dụng ngôn ngữ.
Việc xem trên các màn hình điện tử có thể giúp con tôi nói được không?
Các sản phẩm màn hình điện tử cung cấp hình ảnh trực quan hấp dẫn để thu hút sự chú ý của trẻ và nhiều ý tưởng phong phú để bố mẹ trò chuyện với con cái của mình. Tuy nhiên, các sản phẩm này chỉ gửi thông điệp một chiều thay vì giao tiếp tương tác. Một số ứng dụng trên máy tính hoặc thiết bị di động có thể mang tính tương tác nhưng chúng có thể tạo ra âm thanh hoặc hình ảnh không cần thiết khiến trẻ mất tập trung vào nội dung. Chất lượng của nội dung cũng có thể cần được sàng lọc cẩn thận. Hãy chọn những tài liệu được sàng lọc trên các thiết bị này phù hợp với trình độ phát triển của trẻ. Đặt giới hạn thời gian cho việc xem trên màn hình điện tử, cùng xem và trò chuyện với trẻ. Hướng dẫn trẻ hiểu nội dung và tìm hiểu về ý tưởng của trẻ đối với chương trình hoặc hoạt động trên màn hình. Giới hạn thời gian sử dụng các phương tiện điện tử khác nhau không quá một giờ đối với trẻ 2 tuổi. Việc dành thời gian hoàn toàn tập trung cho trẻ là cách thức hỗ trợ ngôn ngữ hiệu quả hơn.
Để biết thêm thông tin, vui lòng truy cập “Trẻ 0-5 tuổi có cần xem các sản phẩm màn hình điện tử không?”
Chúng tôi tổ chức một loạt hội thảo và phân phát tờ thông tin về chủ đề nuôi dạy con cái cho những người sắp làm bố mẹ, đang làm bố mẹ của trẻ sơ sinh và trẻ mẫu giáo. Vui lòng liên hệ với nhân viên y tế của chúng tôi để biết thông tin.