Cho Con Ăn Thế Nào Là Quyết Định (Sáng Suốt) Của Chính Quý Vị
Nội dung
- Đưa ra quyết định sáng suốt về việc cho con ăn
- Cho con ăn trong giai đoạn sơ sinh: những điều quý vị cần biết
Đưa ra quyết định sáng suốt về việc cho con ăn
Xin chúc mừng! Chắc hẳn quý vị đang rất hào hứng chào đón đứa con yêu dấu của mình. Là những bậc cha mẹ tương lai, quý vị cần tìm hiểu và chuẩn bị cả về thể chất lẫn tâm lý để đảm nhận được thiên chức làm cha mẹ. Học hỏi kiến thức và kỹ năng nuôi dạy con cái sớm có thể giúp quý vị trở thành những ông bố bà mẹ hạnh phúc và nuôi dạy được một em bé khỏe mạnh và đáng yêu một cách thoải mái.
Cho con ăn như thế nào là quyết định quan trọng đầu tiên của quá trình nuôi dạy con cái. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ dinh dưỡng chất lượng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể thúc đẩy tăng trưởng thể chất và phát triển trí não, tăng cường khả năng miễn dịch và mang lại lợi ích sức khỏe suốt đời cho con quý vị. Ngoài việc lựa chọn chế độ dinh dưỡng tốt nhất cho sự phát triển của bé, sự gần gũi giữa quý vị và con trong quá trình cho con ăn cũng giúp thiết lập mối gắn kết giữa cha mẹ và con thông qua việc thấu hiểu nhu cầu và tính khí của trẻ. Đây là một khởi đầu tốt trong việc học các kỹ năng nuôi dạy con cái.
Tôi nên cho bé ăn như thế nào để cung cấp dinh dưỡng tối ưu?
Quý vị có thể cảm thấy hơi bối rối trước những gợi ý khác nhau từ nhiều nguồn thông tin đa dạng. Cơ Quan Quản Lý Sức Khỏe Gia Đình của Bộ Y Tế đã biên soạn các thông tin toàn diện và chính xác sau dựa trên các bằng chứng khoa học mới nhất để giúp các bậc cha mẹ tương lai đưa ra quyết định sáng suốt.
Cho con bú sữa mẹ
Lợi ích của việc cho con bú sữa mẹ đối với bé
- Sữa mẹ chứa các kháng thể, các tế bào sống và các thành phần khác có thể giúp tăng cường khả năng miễn dịch của bé.
- Sữa mẹ hoàn toàn tự nhiên và giàu chất dinh dưỡng. Thành phần của sữa mẹ sẽ điều chỉnh theo nhu cầu tăng trưởng của bé ở các giai đoạn khác nhau.
- Sữa mẹ có chứa các enzym giúp tiêu hóa và hấp thu, đồng thời giúp phát triển não bộ, mắt và các cơ quan khác.
- Sự tiếp xúc thân mật và tương tác giữa mẹ và con trong khi cho con bú giúp tăng cường mối gắn kết giữa mẹ và con, đồng thời thúc đẩy sự phát triển cảm xúc của bé.
- Nuôi con bằng sữa mẹ giúp tiết kiệm chi tiêu gia đình, tài nguyên xã hội và thân thiện với môi trường.
- Mùi vị của sữa mẹ thay đổi theo loại thức ăn của người mẹ. Bé có thể được nếm thử mùi vị của nhiều loại thức ăn khác nhau thông qua sữa mẹ. Điều này có thể giúp bé tiếp nhận thức ăn mới dễ dàng hơn khi quý vị tập cho bé ăn dặm.
- Bé chủ động trong quá trình bú. Cơ thể quý vị sẽ tiết lượng sữa mẹ theo nhu cầu của bé. Điều này làm giảm nguy cơ cho ăn quá nhiều và mắc bệnh béo phì ở trẻ em trong tương lai.
- Cho con bú sữa mẹ giảm nguy cơ bé tử *vong đột ngột, bất ngờ và không rõ nguyên nhân trong khi ngủ.
(Vui lòng đọc: Giấc Ngủ An Toàn Giấc Mơ Ngọt Ngào)
Các bé bú sữa mẹ sẽ thông minh và khỏe mạnh hơn!
Lợi ích của việc cho con bú sữa mẹ đối với người mẹ
- Giúp tử cung trở lại kích thước bình thường, giảm nguy cơ chảy máu và thiếu máu sau khi sinh nở.
- Giúp tiêu mỡ và giảm tình trạng thừa cân do mang thai.
- Việc cho con bú về lâu dài giúp giảm nguy cơ ung thư buồng trứng và ung thư vú.
- Cho con bú thuận tiện vì có thể cho bé bú bất cứ lúc nào, tại bất cứ nơi đâu khi có mẹ ở cùng bé.
Mối quan ngại về việc cho con bú và những khó khăn có thể gặp phải
- Cả quý vị và bé đều cần thời gian để học các kỹ năng cho ăn đúng cách.
- Trong tháng đầu tiên, bé cần được cho ăn thường xuyên và quý vị có thể cảm thấy mệt mỏi. Quý vị sẽ cần sự hỗ trợ và giúp đỡ từ gia đình, bạn bè và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe.
- Vì không thể nhìn thấy con mình đã bú bao nhiêu sữa mẹ nên quý vị có thể lo lắng rằng bé không bú đủ hoặc quý vị không tiết đủ sữa.
- Các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến việc cho con bú:
- Bệnh viện nơi quý vị sinh con chưa triển khai các biện pháp thực hành thân thiện với mẹ và bé.
- Một số tình huống khi quý vị phải xa con vì tình trạng sức khỏe của bé hoặc của mẹ hoặc khi quý vị phải trở lại làm việc.
Quý vị luôn có thể tìm kiếm lời khuyên từ nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sản khoa hoặc các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác nếu có bất kỳ quan ngại nào về việc cho con bú. Chuẩn bị tốt trước khi sinh có thể giúp việc cho con bú dễ dàng hơn. Nếu quý vị cần thêm thông tin về việc nuôi con bằng sữa mẹ, vui lòng liên hệ với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe có liên quan hoặc truy cập trang web của Cơ Quan Quản Lý Sức Khỏe Gia Đình của Bộ Y Tế.
- Tình yêu bắt đầu từ việc cho con bú...Tập sách
- Tình yêu · bắt đầu từ việc cho con bú Tờ rơi mã QR các đoạn phim về
- Ăn Uống Lành Mạnh Khi Mang Thai và Cho Con Bú Tập sách
- Câu Hỏi Thường Gặp về Cho Con Bú (thông tin trực tuyến)
- Hướng Dẫn cho Người Lao Động Cho Con Bú khi Đi Làm Tập sách
Sữa mẹ là món quà của tự nhiên dành cho cả mẹ và bé.
Cho con bú sữa công thức
Nếu người mẹ không thể cho con bú vì một lý do cụ thể nào đó hoặc quyết định không cho con bú thì sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh là sự thay thế duy nhất cho sữa mẹ.
Tính linh hoạt khi cho trẻ bú sữa công thức:
- có thể để người khác cho bé bú còn người mẹ có thể sắp xếp thời gian linh hoạt hơn.
- các thành viên trong gia đình có thể tiếp xúc gần gũi với bé trong khi đang cho bé bú. Họ cũng có thể cho bé bú vào ban đêm.
- giảm độ bất tiện khi thi thoảng phải cho bé bú ở những nơi công cộng khi có người khác ở xung quanh.
- bổ sung cho sữa mẹ nếu không thể cho con bú sữa mẹ hoàn toàn sau khi trở lại làm việc.
Một số người mẹ có thể thấy việc cho con uống sữa công thức là thuận tiện nhưng trên thực tế, cách này có thể dẫn tới nhiều vấn đề khác nhau.
Nhược điểm của việc cho trẻ bú sữa công thức:
So với sữa mẹ:
- Các thành phần của sữa công thức không cung cấp dinh dưỡng tối ưu cho sự tăng trưởng của bé, bao gồm cả sự phát triển của não bộ, mắt và các cơ quan khác.
- Trẻ uống sữa công thức dễ bị mắc các chứng dị ứng hơn (như chàm) so với trẻ bú sữa mẹ. Các bé có thể bị dị ứng với protein trong sữa bò.
- Sữa công thức khó tiêu hóa hơn và có thể gây táo bón thường xuyên hơn.
- Sữa công thức được sản xuất bằng cách tinh chế và chế biến sữa bò, do đó không chứa kháng thể và các tế bào miễn dịch sống, khiến bé dễ bị nhiễm bệnh (như cảm lạnh, viêm phổi, viêm tai giữa và tiêu chảy).
- Bé cần đợi pha sữa công thức khi đói nên không phải lúc nào cũng đơn giản và thuận tiện.
Sữa công thức không vô trùng:
- Tình trạng nhiễm khuẩn do vi khuẩn hoặc các chất hóa học có thể xảy ra trong quá trình sản xuất, vận chuyển, bảo quản và pha chế sữa.
- Dụng cụ cho trẻ bú phải được khử trùng trước mỗi lần cho trẻ bú và phải tuân theo quy trình pha sữa công thức đúng cách gồm nhiều bước để giảm nguy cơ khi cho trẻ bú sữa công thức.
Các vấn đề khi cho trẻ bú sữa công thức:
- Con quý vị không chủ động khi bú bình. Nếu người chăm sóc bỏ lỡ dấu hiệu đói và no của bé thì bé có thể bị cho ăn quá nhiều và trở nên bị thừa cân. “Ăn nhiều hơn” không đồng nghĩa với “khỏe mạnh hơn”.
- Khi người khác cho bé ăn, người mẹ cần nắm bắt cơ hội để có thời gian gắn kết với bé.
- Cho con bú sữa công thức làm tăng chi tiêu của hộ gia đình, bao gồm tiền mua sữa bột công thức, bình sữa, núm vú cao su, dụng cụ khử trùng, v.v. Ngoài ra, còn phát sinh thêm các chi phí y tế vì bé dễ bị ốm hơn.
- Có khả năng nhãn hiệu sữa công thức con quý vị đang quen bú đã bán hết hàng, gây ra những lo lắng không đáng có cho các bậc cha mẹ.
Cho con bú trực tiếp là cách tự nhiên nhất. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, nếu vẫn quyết định cho bé bú bình (sữa mẹ vắt ra hoặc sữa công thức) thì quý vị phải tìm hiểu càng nhiều càng tốt về cách cho bú bình an toàn nhất có thể. Quý vị có thể hỏi các chuyên gia chăm sóc sức khỏe để biết thông tin sau hoặc truy cập trang web của Cơ Quan Quản Lý Sức Khỏe Gia Đình của Bộ Y Tế:
- Hướng Dẫn Cho Trẻ Bú Bình (Tập sách)
- Chế độ ăn uống lành mạnh cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ - Nuôi Con Bằng Sữa (tờ rơi)
Cho con ăn trong giai đoạn sơ sinh: những điều quý vị cần biết…Phần 1
Câu hỏi 1:Các thành phần được bổ sung trong sữa công thức (chẳng hạn như men vi sinh) cũng tốt như sữa mẹ trong việc tăng cường khả năng miễn dịch và thúc đẩy sức khỏe của bé.
Trả lời:Không đúng!
Cho con bú sữa mẹ:
- Sữa mẹ có chứa các kháng thể tự nhiên độc nhất, các tế bào sống, v.v. giúp tăng cường sức đề kháng của bé chống lại bệnh tật.
- Sữa mẹ cung cấp dinh dưỡng đầy đủ để thúc đẩy tăng trưởng.
- Sự tiếp xúc thân mật giữa quý vị và con trong quá trình cho con bú giúp bé yên tâm, từ đó tăng cường mối gắn kết giữa mẹ và con và thúc đẩy sự phát triển trí não của bé.
Sữa công thức:
- Không có kháng thể tự nhiên, yếu tố tăng trưởng hay tế bào sống để giúp chống lại bệnh tật.
- Các thành phần được thêm vào nhằm bắt chước thành phần của sữa mẹ. Không có đủ bằng chứng để chứng minh những chất bổ sung này có lợi cho sức khỏe của bé về lâu dài.
- Sữa công thức có thể bị nhiễm khuẩn trong quá trình sản xuất, bảo quản và vận chuyển.
- Việc xử lý không đúng cách trong quá trình pha sữa công thức có thể khiến vi khuẩn phát triển, gây nguy hiểm cho sức khỏe của bé.
(Vui lòng đọc Chương 1 của Tình yêu bắt đầu từ việc cho con bú... để biết thêm chi tiết.)
Câu hỏi 2: Việc cho con bú khiến tôi phải chịu nhiều gánh nặng về thể chất hơn.
Trả lời:Không đúng!
- Có thể đúng nhưng quý vị có thể điều chỉnh để giảm bớt điều này.
- Dù bú sữa mẹ hay sữa công thức, việc bé sơ sinh cần được bú thường xuyên cả ngày lẫn đêm trong tháng đầu tiên sẽ khiến quý vị cảm thấy mệt mỏi. Tuy nhiên, khi quý vị cho con bú, cơ thể quý vị sẽ sản sinh ra một loại hoóc-môn có tác dụng cải thiện chất lượng giấc ngủ của quý vị.
- Trong thời gian này, quý vị có thể:
- Ngủ trong khi con ngủ
- Giảm thiểu số lần khách tới thăm để có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn
- Làm ít việc nhà hơn hoặc nhờ người khác giúp đỡ
- Từ 1 tháng trở đi, bé có thể bú 7-8 lần mỗi ngày và ngủ lâu hơn vào ban đêm. Lúc này, quý vị có thể có thêm thời gian để nghỉ ngơi.
(Vui lòng đọc Chương 3 của Tình yêu bắt đầu từ việc cho con bú... để biết thêm chi tiết.)
Câu hỏi 3: Quý vị và bạn đời nên có tiếp xúc da chạm da thân mật thường xuyên với con bất kể bé bú sữa mẹ hay sữa công thức.
Trả lời: Đúng!
Thiết lập mối gắn kết gần gũi và yêu thương giữa cha mẹ và bé sẽ giúp phát triển trí não bé.
- Kể từ giai đoạn mang thai, những bậc cha mẹ tương lai luôn có thể kết nối thông qua việc vuốt ve nhẹ nhàng, nói chuyện và hát cho con nghe. Cả quý vị và bạn đời đều có thể tiếp xúc da chạm da với bé nhiều hơn, đặc biệt là trước khi cho bé ăn hoặc khi bé đang khóc.
Sự tiếp xúc da chạm da trực tiếp và thân mật có thể:
- Mang tới cho con quý vị cảm giác an toàn và tăng cường mối gắn kết giữa mẹ và bé
- Mang tới hơi ấm cho bé và ổn định nhịp tim và nhịp thở của bé
- Giúp cơ thể quý vị sản sinh hoóc-môn thúc đẩy quá trình tiết sữa mẹ và co bóp tử cung
- Đáp ứng kịp thời nhu cầu của bé.
(Vui lòng đọc Chương 1 và 2 của Tình yêu bắt đầu từ việc cho con bú... để biết thêm chi tiết.)
Câu hỏi 4: Việc cho con bú không phù hợp với những người mẹ có các bệnh trạng sau: núm vú phẳng hoặc bị thụt vào trong, mắc bệnh viêm gan B hoặc đang bị cúm.
Trả lời: Không đúng!
- Chỉ có một số bệnh trạng có thể không phù hợp để cho con bú.
- Các bà mẹ mắc các bệnh trạng sau có thể cho con bú được:
- Có núm vú phẳng hoặc bị thụt vào trong: Ngoài núm vú ra, bé còn ngậm phần lớn quầng vú khi bú mẹ. Do đó, quý vị có thể cho con bú được.
- Nếu quý vị là mắc bệnh viêm gan B: bé sẽ được tiêm globulin miễn dịch và vắc-xin ngừa viêm gan B ngay sau khi sinh để tránh bị nhiễm bệnh qua sữa mẹ. Vì vậy, việc cho con bú vẫn an toàn.
- Nếu quý vị bị cảm lạnh hoặc cúm, các kháng thể trong sữa mẹ của quý vị có thể tăng cường khả năng miễn dịch của bé. Nhìn chung, các loại thuốc điều trị cảm lạnh và cúm thường được sử dụng đều phù hợp với các bà mẹ đang cho con bú.
- Vui lòng yêu cầu chuyên gia chăm sóc sức khỏe tư vấn nếu quý vị có bất kỳ câu hỏi nào.
(Vui lòng đọc Chương 7 của Tình yêu bắt đầu từ việc cho con bú... để biết thêm chi tiết.)
Câu hỏi 5: Việc đặt con quý vị ngủ trong cũi bên cạnh giường của mình sẽ giúp quý vị đáp ứng nhu cầu của bé kịp thời.
Trả lời:Đúng!
- Việc ở chung phòng với bé và ở gần bé có thể giúp quý vị hiểu rõ hơn nhu cầu của bé và đáp ứng kịp thời.
- Khi quý vị nhận thấy những dấu hiệu ban đầu của bé khi đói, chẳng hạn như mở miệng hoặc đưa ngón tay vào miệng, quý vị có thể bắt đầu cho bé ăn.
- Nếu quý vị cho bé bú ở tư thế nằm thì quý vị nên đặt bé trở lại cũi sau khi bú xong để tránh xảy ra sự cố.
(Vui lòng đọc Chương 2 của Tình yêu bắt đầu từ việc cho con bú... để biết thêm chi tiết.)
Câu hỏi 6: Quý vị nên có một lịch trình cho ăn và cung cấp lượng sữa cố định mỗi lần cho con ăn.
Trả lời: Không đúng!
- Mỗi bé có nhịp độ bú riêng của mình. Đôi khi trẻ cần được bú thường xuyên hơn và đôi khi ngủ nhiều hơn. Hơn nữa, lượng sữa cho mỗi lần bú có thể khác nhau.
- Bé nên là người chủ động, dù là khi bú sữa mẹ hay sữa công thức. Không khuyến khích cho bú theo lịch trình và lượng sữa định trước cho mỗi lần bú.
- Bắt đầu cho con bú theo nhu cầu của bé khi quý vị nhận thấy các dấu hiệu đòi bú ban đầu của bé.
- Chỉ cần bé dùng số tã và đi tiêu phù hợp hàng ngày và tăng cân đạt yêu cầu thì tức là lượng sữa uống vào là đủ.
(Vui lòng đọc Chương 2 và 3 của Tình yêu bắt đầu từ việc cho con bú...để biết thêm chi tiết.)
Câu hỏi 7: Chỉ có ít “sữa đầu” (sữa non) được tiết ra trong vài ngày đầu sau khi sinh. Tôi nên cho bé ăn sữa công thức trước và chỉ bắt đầu cho con bú sau khi sữa mẹ “về” nhiều.
Trả lời: Không đúng!
- Một em bé đủ tháng khỏe mạnh từ lúc sinh ra đã có lượng nước và chất dinh dưỡng dự trữ đầy đủ. Bé chỉ cần sữa non trong vài ngày đầu tiên.
- Lợi ích của sữa non:
- Sữa non đặc giúp bé học và phối hợp các kỹ năng bú, nuốt và thở.
- Một lượng nhỏ sữa non là phù hợp với kích thước dạ dày nhỏ bằng một viên bi của em bé mà quý vị mới sinh.
- Sữa non chứa nhiều kháng thể và tế bào sống nên có thể coi đây là liều thuốc chủng ngừa tự nhiên đầu tiên của bé.
- Cho con quý vị bú sữa công thức sẽ làm giảm ham muốn bú của bé và ảnh hưởng đến việc tiết sữa của quý vị.
(Vui lòng đọc Chương 3 của Tình yêu bắt đầu từ việc cho con bú... để biết thêm chi tiết.)
Câu hỏi 8: Cho con tôi uống sữa công thức và nước bằng bình sữa và núm vú cao su sẽ không ảnh hưởng đến việc cho con bú.
Trả lời: Không đúng!
- Sữa mẹ có hơn 80% là nước. Vì vậy, bé chỉ bú sữa mẹ mà không cần uống thêm nước.
- Cho con uống sữa công thức, nước hoặc nước đường như nguồn dinh dưỡng bổ sung sẽ:
- Làm giảm ham muốn bú của bé và do đó, làm giảm sự tiết sữa.
- Làm giảm tác dụng của “màng bảo vệ” được hình thành trong ruột của bé nhờ bú mẹ hoàn toàn, do đó làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và dị ứng.
- Việc bú bình hay núm vú giả hoàn toàn khác với bú mẹ.
- Tập cho trẻ bú bình hoặc núm vú giả trước khi trẻ 1 tháng tuổi có thể ảnh hưởng đến việc học bú mẹ đúng cách.
- Nếu cần phải vắt sữa mẹ hoặc bổ sung sữa công thức thì quý vị có thể cân nhắc cho trẻ ăn bằng thìa hoặc cốc nhỏ.
(Vui lòng đọc Chương 1, 2, 4 và 5 của Tình yêu bắt đầu từ việc cho con bú... để biết thêm chi tiết.)
Câu hỏi 9: Giá trị dinh dưỡng của sữa mẹ sẽ giảm đi sau 6 tháng kể từ lúc sinh con nên tôi có thể dừng cho con bú.
Trả lời: Không đúng!
- Tổ Chức Y Tế Thế Giới khuyến cáo nên cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời của bé. Khi bé được khoảng 6 tháng tuổi, nên tập dần cho bé ăn dặm và tiếp tục cho con bú đến khi 2 tuổi hoặc lâu hơn.
- Sữa mẹ chứa nhiều chất dinh dưỡng và cơ thể quý vị có thể điều chỉnh hàm lượng theo nhu cầu của bé ở các giai đoạn phát triển khác nhau.
- Khả năng dị ứng thức ăn sẽ thấp hơn nếu quý vị bắt đầu tập cho bé ăn thức ăn mới trong quá trình bé còn bú mẹ.
- Khả năng sản xuất kháng thể của bé chỉ bắt đầu hoàn thiện hơn khi bé được 2 đến 3 tuổi. Các kháng thể tự nhiên, tế bào sống và các yếu tố khác trong sữa mẹ có thể làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh.
- Quý vị cho con bú càng lâu thì lợi ích sức khỏe cho cả quý vị và con quý vị càng lớn.
- Về cơ bản, không có quy tắc bất di bất dịch. Cách tốt nhất là quý vị và con quý vị nên cùng nhau xác định thời điểm và cách cai sữa.
(Vui lòng đọc Chương 1 của Tình yêu bắt đầu từ việc cho con bú... để biết thêm chi tiết.)
Cho con ăn trong giai đoạn sơ sinh: những điều quý vị cần biết…Phần 2
Câu hỏi 1: Làm thế nào để biết con tôi có bú đủ sữa hay không?
Trả lời:
- Bé càng bú nhiều, bé càng đi tiểu và đi tiêu nhiều hơn.
- Bé đi phân màu xanh đen, dính (phân su) sau khi sinh. Sau đó phân sẽ dần trở nên mềm, có màu vàng nhạt hoặc hơi xanh lục trong vài ngày đầu.
- Quý vị sẽ biết liệu con quý vị có bú đủ sữa hay không bằng cách kiểm tra số tã ướt và số lần đi tiêu.
- Việc bé giảm cân do mất nước trong vài ngày đầu sau sinh là điều bình thường. Bé sẽ dần lấy lại cân nặng sau đó.
(Vui lòng đọc Chương 3 của Tình yêu bắt đầu từ việc cho con bú... để biết thêm chi tiết.)
Câu hỏi 2: Làm thế nào để tôi biết con tôi đang đói?
Trả lời:
- Điều quan trọng là để bé tự chủ động khi ăn. Vì vậy, quý vị phải biết những dấu hiệu ban đầu khi bé đang đói.
- Những dấu hiệu ban đầu khi đói bao gồm mở miệng, đưa tay vào miệng hoặc phát ra âm thanh mút.
- Khóc hoặc quấy khóc là một dấu hiệu tương đối muộn của cơn đói. Trẻ đang khóc sẽ khó ngậm vú hơn, có thể cản trở bú hiệu quả.
(Vui lòng đọc Chương 2 của Tình yêu bắt đầu từ việc cho con bú... để biết thêm chi tiết.)
Câu hỏi 3: Con tôi càng bú nhiều thì tôi càng tiết sữa nhiều hơn.
Trả lời: Đúng
- Sau khi sữa “về”, ngực của quý vị sẽ dần tiết ra lượng sữa thích hợp theo nhu cầu của bé.
- Khi con bú, cơ thể quý vị sẽ tạo ra các hoóc-môn tiết sữa.
- Tuy nhiên, nếu không thể vắt hết sữa mẹ một cách hiệu quả thì ngực của quý vị sẽ tiết ra một chất gây ngừng tiết sữa, làm giảm nguồn sữa.
- Cho con bú thường xuyên và hiệu quả là cách tốt nhất để giúp vú quý vị tiết đủ sữa.
(Vui lòng đọc Chương 2 & 3 của Tình yêu bắt đầu từ việc cho con bú... để biết thêm chi tiết.)
Câu hỏi 4: Trong vài tuần đầu tiên, con tôi cần được cho ăn thường xuyên. Tôi phải cho con bú ít nhất 8 đến 12 lần một ngày.
Trả lời: Đúng
- Trong những tuần đầu tiên, dạ dày của bé sơ sinh còn nhỏ. Do đó, cần cho ăn thường xuyên.
- Bé sơ sinh dễ buồn ngủ và có thể không thức dậy để ăn. Dù vậy, quý vị cần cho bé ăn ít nhất 3 đến 4 lần trong ngày đầu tiên.
- Từ ngày thứ hai trở đi, bé trở nên tỉnh táo hơn và cần được cho ăn thường xuyên hơn, khoảng 8 đến 12 lần một ngày.
- Cơ thể quý vị tạo ra nhiều hoóc-môn tiết sữa hơn vào ban đêm. Cho con bú vào ban đêm giúp tăng tiết sữa.
(Vui lòng đọc Chương 3 của Tình yêu bắt đầu từ việc cho con bú... để biết thêm chi tiết.)
Câu hỏi 5: Xác định vị trí và ngậm vú đúng cách là chìa khóa để cho con bú thành công.
Trả lời: Đúng
- Tư thế cho con bú đúng cách và giúp bé ngậm vú mẹ tốt là chìa khóa để cho con bú thành công. Cả quý vị và bé đều cần học cách cho con bú, đặc biệt là trong những ngày đầu tiên sau khi sinh. Đừng ngần ngại tìm lời khuyên về việc cho con bú từ các chuyên gia chăm sóc sức khỏe.
- Tư thế cho con bú đúng cách:
- Cơ thể của quý vị và con quý vị đều phải có chỗ dựa để cả hai đều cảm thấy thoải mái khi cho con bú thường xuyên.
- Điều này cho phép quý vị đưa bé tới vú dễ dàng hơn và giúp bé ngậm vú đúng cách.
- Nếu ngậm vú đúng thì bé có thể kích thích vú của quý vị tiết ra nhiều sữa hơn.
(Vui lòng đọc Chương 4 của Tình yêu bắt đầu từ việc cho con bú... để biết thêm chi tiết.)
Câu hỏi 6: Tôi có thể vắt sữa khi tạm thời bị tách khỏi con tôi hoặc khi ngực tôi căng sữa.
Trả lời: Đúng
- Nếu quý vị không thể cho con bú trực tiếp (ví dụ: khi bé bị ốm hoặc cần nhập viện hoặc khi quý vị đi làm trở lại) thì quý vị có thể vắt và trữ sữa do mình tiết ra.
- Điều này đảm bảo kích thích thỏa đáng cho ngực và duy trì nguồn sữa của quý vị để tiếp tục cho con bú.
- Khi ngực căng sữa và quý vị không thể cho con bú ngay, quý vị có thể vắt một ít sữa để làm giảm sự khó chịu và làm giảm nguy cơ tắc ống dẫn sữa.
- Nếu bé không hài lòng sau khi bú trực tiếp thì người mẹ có thể vắt sữa ra rồi cho bé bú, như vậy sẽ kích thích ngực tiết nhiều sữa hơn.
(Vui lòng đọc Chương 5 của Tình yêu bắt đầu từ việc cho con bú... để biết thêm chi tiết.)
Câu hỏi 7: Tốt hơn là cho con tôi bú sữa mẹ được vắt ra trong bình thay vì cho con bú trực tiếp bởi nhờ thế, tôi sẽ biết con tôi ăn bao nhiêu.
Trả lời: Không đúng!
- Bé sinh đủ tháng, khỏe mạnh có biểu hiện muốn bú khi đói và tỏ ra hài lòng khi no. Cho con ăn theo nhu cầu của bé sẽ thích hợp hơn nhiều so với việc biết lượng bé ăn. Trên thực tế, chỉ cần bé có số tã ướt phù hợp thì tức là bé đang bú đủ sữa.
- Ưu điểm của việc cho con bú trực tiếp:
- Bé chủ động trong việc cho ăn theo nhu cầu của mình.
- Tiếp xúc da chạm da sẽ giúp bé cảm thấy ấm áp và an toàn. Điều này cũng giúp thúc đẩy tình cảm giữa cha mẹ và con cái.
- Việc cho con bú mẹ trực tiếp sẽ tạo điều kiện cho bé phát triển cơ mặt, cơ miệng và xương hàm, cũng như giảm nguy cơ bị viêm tai giữa.
- Những điểm cần lưu ý trước khi cho bé bú bình:
- Lượng sữa có thể không phù hợp với nhu cầu thực tế của bé nếu người chăm sóc chủ động cho bú.
- Quý vị có thể làm đau ngực hay núm vú hoặc căng cơ tay nếu quý vị sử dụng các phương pháp không phù hợp để vắt hoặc hút sữa mẹ.
(Vui lòng đọc Chương 1 và 5 của “Tình yêu bắt đầu từ việc cho con bú...” và tập sách “Những Điều Quý Vị Cần Biết Về Dụng Cụ Hút Sữa” để biết thêm chi tiết.)
Câu hỏi 8: Tìm kiếm sự trợ giúp ngay lập tức nếu quý vị gặp bất kỳ vấn đề nào trong khi cho con bú.
Trả lời: Đúng
- Các thành viên trong gia đình có thể hỗ trợ bằng cách chăm sóc cho bé sơ sinh. Điều này có thể giúp cuộc sống của quý vị bớt bận rộn hơn và việc cho con bú sẽ thú vị hơn.
- Tìm hiểu thêm về cách cho trẻ sơ sinh ăn khi đang mang thai. Yêu cầu bạn đời tham gia và thảo luận với họ và gia đình của quý vị về quyết định cho con ăn của quý vị!
- Bạn đời của quý vị, ông bà của bé và “pei yue” (người chuyên hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ) của quý vị.
- Nếu quý vị quyết định cho con bú, hãy nhớ thảo luận với:
- Bác sĩ sản khoa và nữ hộ sinh của quý vị tại bệnh viện nơi quý vị sinh con: Thông báo với họ rằng quý vị có kế hoạch cho con bú càng sớm càng tốt sau khi sinh.
- Người giám sát của quý vị tại nơi làm việc: thảo luận về việc sắp xếp cho con bú khi trở lại làm việc.
- Tìm kiếm sự trợ giúp ngay lập tức nếu quý vị gặp bất kỳ vấn đề nào khi cho con bú.
(Vui lòng đọc Chương 8 của Tình yêu bắt đầu từ việc cho con bú... để biết thêm chi tiết.)
Nếu quý vị muốn biết thêm về việc cho trẻ sơ sinh ăn thì quý vị có thể đọc Tình yêu bắt đầu từ việc cho con bú...
Quý vị có thể yêu cầu các chuyên gia chăm sóc sức khỏe cung cấp tập sách “Hướng Dẫn Cho Trẻ Bú Bình” nếu cần.